Chính trị

Việt Nam sẽ thắng, nếu kiện Trung Quốc

12/05/2014, 07:09

TS Luật Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã nhận định như vậy trong cuộc trò chuyện với PV Báo Giao thông trước hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981...

TS Luật Trần Công Trục
TS Luật Trần Công Trục


Tính toán hết sức nham hiểm


Tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam?


Theo tôi, họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn đến khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Họ cũng lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, để nhân việc này thăm dò phản ứng của các quốc gia khác ở khu vực.


Mặt khác, ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng đang có những bất ổn (tại Tân Cương), nên việc đưa giàn khoan ra biển Đông có thể là giải pháp chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài.  

Có nghĩa rằng, hàng loạt sự việc vừa qua là những bước đi có tính toán cực kỳ thâm hiểm của Trung Quốc?


Đúng như vậy. Đơn cử như việc Trung Quốc chọn vị trí đặt giàn khoan (cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý), nếu xác định chi tiết, chuẩn xác thì vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Nhưng cũng có thể thấy rằng, đây là một vị trí khá nhạy cảm mà Trung Quốc đã cố tình lựa chọn để thực hiện chiến thuật bắn một mũi tên trúng hai đích. Cái đích thứ nhất là khẳng định chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ (Trung Quốc gọi là Tây Sa), thực hiện ý đồ cố tình áp dụng sai công ước Luật Biển năm 1982. Cái đích thứ hai là cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp. Với biện pháp này, nếu chúng ta không phân tích, không hiểu rõ sự nguy hiểm của nó thì nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng hành động của Trung Quốc là phù hợp với công ước quốc tế.


Đòi hỏi "không bình thường"


Ông bình luận gì về việc Trung Quốc mới đây nói rằng chỉ khi Việt Nam rút hết tàu bè về thì hai bên mới ngồi vào bàn đàm phán?


Đó là đòi hỏi "không bình thường", nếu không muốn nói đó là một đòi hỏi ngang ngược, ỷ thế nước lớn của Trung Quốc, bởi vị trí giàn khoan HD 981 Trung Quốc đặt nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không dính dáng gì đến khu vực gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm giữ của VN. Anh nhảy vào nhà người ta, rồi bắt chủ nhà phải rút đi thì không thể có chuyện ngang ngược như thế được. Trung Quốc đã hành động vừa bất chấp luật pháp, vừa bất chấp đạo lý, cướp đi tất cả những thành quả của những quốc gia láng giềng gây dựng hòa bình khu vực để thực hiện mưu đồ của mình. 

Thưa ông, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến an ninh hàng hải trên biển Đông?


Rõ ràng với tất cả những hành động vừa qua, đây là một sự "bày binh bố trận" tổng hợp của Trung Quốc để thiết lập cuộc hành quân xâm lược về mặt kinh tế làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, quốc phòng và là mầm mống dẫn đến những tranh chấp trong khu vực này. 
 

"Mục đích mà Trung Quốc hướng tới là nhằm độc chiếm nguồn tài nguyên và nguồn sống của các quốc gia ven biển Đông, chứ không chỉ nhằm vào không gian có ý nghĩa về quân sự, chiến lược nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục thực hiện bằng được mưu đồ này". 

 

TS Luật Trần Công Trục

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Với cách làm và sự "bày binh bố trận" như vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới nếu như chúng ta không có những biện pháp cần thiết đủ để ngăn chặn hành động đó. Trước hết chúng ta phải thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết của đất nước chúng ta, đặc biệt là sự đoàn kết trong khu vực và kêu gọi sự ảnh hưởng quốc tế, tận dụng tất cả những khả năng có thể được với chủ trương của chúng ta là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đây là điều chúng ta hướng tới và chúng ta cũng phải có những tính toán để làm sao những giải pháp của chúng ta nhanh chóng trở thành hiện thực.

Tranh chấp nếu không được giải quyết có thể dẫn đến xung đột sẽ khiến an ninh khu vực, nhất là giao lưu hàng hải thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng?


Tranh chấp mà không kiềm chế được, không còn những giải pháp thích hợp thì rõ ràng nó sẽ trở thành điểm nóng với những cuộc đụng độ, chắc chắn những luồng tàu bè hàng ngày đi qua đây từ Trung Đông, Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương đi lên các vùng kinh tế sôi động ở Đông Bắc Á chắc chắn sẽ bị cản trở. Có thể đó là động cơ, mục tiêu của Trung Quốc, như chúng ta đã biết, họ đã từng có những văn bản pháp lý để tạo cơ hội cho các lực lượng của họ kiểm soát các luồng hàng hải trong khu vực này.
 

Người dân phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, sáng 11/5
Người dân phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, sáng 11/5


Việt Nam có thể khởi kiện 


Ông đánh giá thế nào về những động thái phản ứng của Việt Nam?


Có thể nói Việt Nam đã nhanh chóng có những phản ứng đúng đắn. Đầu tiên là phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau đó là công hàm và phản đối của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tiếp đến là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã điện đàm trực tiếp với đại diện phía Trung Quốc, nói rõ quan điểm của Việt Nam. Trong nội dung trao đổi của Phó Thủ tướng, chúng ta đã khẳng định rằng, Việt Nam sẵn sàng có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chúng ta cũng sẵn sàng đàm phán, thương lượng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và không loại bỏ bất kỳ giải pháp hòa bình nào để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.


Tôi đánh giá rất cao việc tại hội nghị cấp cao các nước ASEAN đang diễn ra tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự đã đưa vụ việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan HD 981 vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong các chương trình nghị sự của Hội nghị. Đây là hành động cần thiết và kịp thời. Tính cấp thiết của vấn đề được cộng đồng các nước ASEAN lần đầu tiên kể từ khi thành lập đã đưa ra bản tuyên bố lo ngại và phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông. Ngoài ra, gần đây hàng loạt các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới như: Liên hợp quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu - EU; Ấn Độ... cũng đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc và bày tỏ ủng hộ lập trường và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam.

Nếu các biện pháp trên chưa đủ mạnh và chưa buộc Trung Quốc rút giàn khoan thì chúng ta cần làm gì tiếp theo?


Theo tôi nghĩ chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Công tác này không chỉ hô những khẩu hiệu có tính chất nguyên tắc chung chung mà làm sao đó có được những phân tích hết sức khoa học dựa trên những quy định của Công ước Luật Biển để thế giới hiểu rõ hơn quan điểm, lập trường chính nghĩa và ủng hộ chúng ta. Chúng ta cũng phải khai thác thế mạnh về mặt pháp lý, ngoài chuyện đàm phán song phương, đa phương, đưa ra những vấn đề trong dư luận quốc tế, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để phân xử. 

Ông có thể nói rõ hơn về việc chúng ta có thể đưa vụ việc kể trên ra trọng tài quốc tế phân xử và khả năng thắng kiện của Việt Nam thế nào? 


Trong công ước LHQ về Luật Biển đã đề cập chế tài để các bên với tư cách thành viên đưa những vấn đề đó lên tài phán. Philippines trước đó đã đệ trình lên quốc tế và nhận được sự ủng hộ của các nước. Việt Nam cũng nên đưa vấn đề này ra trọng tài quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế. Với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện này lên các cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ các cơ sở để kiện. 


Các cơ quan chức năng Việt Nam, theo tôi đã chuẩn bị việc này rất lâu rồi, giờ nên hoàn thiện để gửi lên. Ta không nên sốt ruột bởi việc này không thể nói là làm ngay. Dù ta có đủ chứng cứ và thủ tục cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng có thể xảy ra. Ngay cả lực lượng luật sư của chúng ta cũng phải chuẩn bị rất kĩ để có thể làm việc với các cơ quan tài phán. Hiện nay, thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý.

Cảm ơn ông! 

Minh Thành - Đình Quang (Thực hiện)


Dân nhiều thành phố xuống đường phản đối Trung Quốc

Người dân Hà Nội xuống đường phản đối Trung Quốc sáng 11/5
Người dân Hà Nội xuống đường phản đối Trung Quốc sáng 11/5
Sáng qua (11/5), hàng ngàn người tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... đã xuống đường, thể hiện thái độ phản đối hành động hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Người dân ở các thành phố lớn đã tập trung rất đông trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc (tại Hà Nội) và Lãnh sự quán (tại TP Hồ Chí Minh), đồng thời tuần hành trên nhiều tuyến phố trung tâm. Họ hô vang các khẩu hiệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", "Tẩy chay hàng Trung Quốc"... Có cụ già giơ tấm biển viết tay lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình". 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.