Y tế

Virus Corona có thể lây qua đường tiêu hoá, lưu ý gì khi ăn uống?

03/02/2020, 05:30

Theo chuyên gia y tế, chưa có bằng chứng cụ thể virus Corona lây qua đường tiêu hoá nhưng không loại trừ. Vậy cần lưu ý gì khi ăn uống?

img
Theo chuyên gia y tế, chưa có bằng chứng cụ thể virus Corona lây qua đường tiêu hoá nhưng không loại trừ. Vậy cần lưu ý gì khi ăn uống?

Ngoài đường hô hấp, virus nCoV có thể lây qua đường tiêu hoá?

Các chuyên gia Trung Quốc vừa cảnh báo, chủng coronavirus mới có thể được truyền qua hệ thống tiêu hóa.

Các nhà khoa học đã tìm thấy axit nucleic trong phân của bệnh nhân và bệnh phẩm trực tràng sau khi nhận thấy rằng triệu chứng ban đầu của một số bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus chỉ là tiêu chảy thay vì sốt, vốn thường gặp hơn.

Đây là kết quả từ nghiên cứu chung của các chuyên gia từ Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về khoa học tự nhiên.

Nhóm nghiên cứu tin rằng virus Corona chủng mới (nCoV) vẫn có khả năng lây truyền qua đường phân-miệng nhất định, ngoài việc truyền qua giọt nước bọt hay tiếp xúc.

Luôn luôn ăn chín uống sôi

Đặt câu hỏi: "Bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV có lây qua đường ăn uống hay không?", TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh đã cho biết: Corona là một họ gồm nhiều loại virus mà nCoV đợt này là một biến chủng. Họ virus này thường gặp trong gia súc, mèo, rắn, dơi, lạc đà... Khi biến chủng vì một lý do đặc biệt, nó có thể lây sang người. Do đó, đầu tiên cần hiểu rằng nguồn gốc của nó là động vật, nó có sẵn trong những loài động vật này.

BS Hùng cho biết, ăn uống là con đường lây nhiễm còn bỏ ngỏ. Với riêng loại virus nCoV này, chưa có bằng chứng cụ thể lây qua ăn uống, nhưng cần hiểu cơ chế như thế và cũng không loại trừ. Chính vì vậy, ngành y tế đã có khuyến cáo cần chú ý ăn uống thực phẩm đã được nấu chín, không được ăn sống.

"Có nguy cơ lây nhiễm virus nCoV từ sử dụng chung bát đũa ở hàng quán không? Và nếu có thì cách phòng tránh như thế nào?", PV đặt câu hỏi. TS. Lê Quốc Hùng cho biết: Chưa có báo cáo hay bằng chứng cụ thể về virus lây lan qua dụng cụ ăn uống thông thường. Nhưng theo suy luận logic, khi người bệnh ho, thở, có giọt bắn ra bên ngoài, bắn vào các vật dụng, dụng cụ, bao gồm tô chén đĩa muỗng... Trong quá trình sử dụng bát đũa chung, nếu tiếp xúc phải, rồi chạm lên miệng, mũi... thì khả năng lây nhiễm là có.

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là việc tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân. Vật dụng nào các bạn nghi ngờ thì không nên tiếp xúc. Còn lại, vật dụng nấu chín ở nhiệt độ 80-100 độ C trong 5 phút thì có thể diệt được virus”, ông Hùng khẳng định.

img
Số bệnh nhân nhiễm virus Corona mới (nCoV) vẫn không ngừng tăng ở Trung Quốc

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 18h ngày 2/2/2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của nCoV trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tổng số trường hợp mắc 14.642, trong đó tại lục địa Trung Quốc 14.462 ca. 305 ca tử vong, trong đó tại lục địa Trung Quốc 304, tại Philippine 1 ca. Tổng số trường hợp nhiễm nCoV bên ngoài lục địa Trung Quốc là 180 tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, có 7 người đã dương tính với nCoV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.