Hàng hải

Vụ 2 nhân viên hải đăng Hòn Hải mất tích: Nỗi khắc khoải chốn quê nhà

Nơi quê nhà, người thân của hai nhân viên Trạm hải đăng Hòn Hải mất tích vẫn từng ngày ngóng trông, hy vọng vào điều kỳ diệu, dù rất mong manh.

img

Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam thăm hỏi động viên gia đình anh Đoàn Cao Trai tối 22/12

Đã mấy ngày trôi qua, việc tìm kiếm hai nhân viên Trạm hải đăng Hòn Hải vẫn chưa có kết quả. Nơi quê nhà, người thân của hai anh vẫn từng ngày ngóng trông, hy vọng vào điều kỳ diệu, dù rất mong manh.

Bố mất cũng không thể về chịu tang

Khoảng 6h ngày 21/12, hai công nhân quản lý vận hành đèn biển tại Trạm hải đăng Hòn Hải (thuộc đảo Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận) là anh Đoàn Cao Trai (SN 1971) và anh Võ Thành Nam (SN 1970) cùng nhau xuống phía nhà trạm chính để kiểm tra công tác phòng chống bão, chằng buộc vật dụng…

Bất ngờ, có ba con sóng liên tiếp đánh trùm lên khu nhà trạm chính và cuốn hai anh ra biển. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến không ai kịp trở tay.

Nhận được tin, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp tìm kiếm cứu nạn; cử 2 chuyên viên về an toàn, cứu nạn cứu hộ phối hợp cùng các lực lượng chức năng thuê 1 máy bay trực thăng ra hiện trường rà tìm trên biển. Đến ngày 24/12, công tác tìm kiếm hai công nhân mất tích vẫn đang được triển khai.

Từ hôm nhận được tin anh Đoàn Cao Trai (trú tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) mất tích, không khí ảm đạm bao trùm căn nhà nhỏ.

Chị Bùi Thị Kim Liên (SN 1982, vợ anh Trai) nghẹn ngào: “Sáng 21/12 một người thân điện thoại báo tin, tôi ngã quỵ xuống. Thoạt đầu tôi chưa tin vì hôm trước anh gọi cho con gái lớn (16 tuổi) là một hai hôm nữa có thể sẽ không liên lạc được vì các anh xuống hầm tránh trú bão. Ai ngờ…”.

Cách đây hai tháng, bố mất do bạo bệnh, anh Trai cũng không thể về chịu tang. Cho đến nay, anh cũng chưa một lần được về thắp hương cho bố. Bởi lẽ, dù đã hết thời gian làm nhiệm vụ, nhưng do thời tiết trên đảo Hòn Hải rất xấu, sóng to và gió lớn, các công nhân không thể vào đất liền.

Anh Trai mất tích 3 ngày qua nhưng từ đất liền, gia đình vẫn hy vọng anh còn sống. Chị Liên cho hay, hai ngày qua cứ mỗi sáng lại mang hoa ra bờ biển khấn trời đất phù hộ.

“Hy vọng rất mong manh nhưng tôi luôn tự vấn trong tâm dù có chuyện gì xảy ra cũng không ngã gục, phải cố gắng hơn nữa làm chỗ tựa cho hai con…”, chị Liên nói và cho hay, mấy ngày nay cậu con trai 7 tuổi luôn ngóng trông và hỏi mẹ sao chưa thấy ba về. Giấu nỗi đau trong lòng, chị chỉ biết trả lời con “ba đi làm chưa về”.

Anh Nguyễn Mạnh Tân, Trạm trưởng Trạm hải đăng Phan Thiết (Bình Thuận) cho hay, anh Trai là lao động chính trong gia đình, vợ không có công việc ổn định, nướng bánh tráng bán nên thu nhập bấp bênh.

“Theo quy định 4 tháng là sẽ thay ca nhưng mấy tháng qua khu vực trạm Hòn Hải thời tiết xấu nên anh em chưa kịp đổi ca thì xảy ra sự việc”, anh Tân nói.

Những lời dặn dò trước khi gặp nạn

img

Mẹ và con trai anh Võ Thành Nam bần thần suốt mấy ngày nay, vẫn hy vọng điều kỳ diệu xảy ra

Hay tin em trai mình (anh Võ Thành Nam, quê Cam Ranh, Khánh Hòa) mất tích khi đang làm nhiệm vụ, gác lại công việc ở Bình Định, chị Võ Thị Tuyết cùng chồng vào TP Cam Ranh để chăm lo cho người mẹ già đang thuê trọ tại đây.

“Bà hầu như không ăn uống gì, lâu lâu nhớ con lại khóc, miệng lúc nào cũng khấn cho con trai được bình an”, chị Tuyết chia sẻ.

Mẹ anh Nam là bà Vũ Thị Liên (SN 1942) sinh được 4 người con, trong đó anh Nam là người có tình yêu đặc biệt với nghề gác đèn biển, nghề mà bố mẹ anh vốn đã gắn bó cả đời.

“Nó xin theo nghề gác đèn hoài nhưng tôi không cho vì nghề này vất vả, sống ở đảo nhiều, nó còn trẻ sợ chịu khổ không nổi rồi trốn việc, mất danh dự gia đình. Chỉ khi nó thề con quyết bám đèn, không buông bỏ thì tôi mới đồng ý”, bà Liên kể và cho biết, anh Nam vào nghề khi ngoài 20 tuổi.

Theo nghề là phải đi khắp nơi theo điều động cơ quan. Hiểu điều này, sau khi nghỉ hưu và chồng qua đời, bà Liên cũng bôn ba theo con trai để chỉ bảo, dìu dắt thêm. 12 năm trước, anh Nam được điều động vào Nha Trang, bà theo con vào thuê nhà, trông cháu để anh yên tâm công tác.

5 năm trước, anh lại được điều động vào Cam Ranh, cả gia đình cũng kéo vào theo, lại đi thuê nhà trọ. 6 tháng trước, anh Nam được điều động ra quản lý, vận hành Trạm hải đăng Gành Đèn (Phú Yên).

“Tôi bảo đó là đảo xa, nhiều sóng gió, anh em làm việc cẩn thận, chăm sóc lẫn nhau”, bà Liên nói rồi bảo thêm, đó là lần cuối bà cầm tay con trai dặn dò...

Vừa dựng chiếc xe máy đã cũ xuống sân, em Võ Việt Vũ (SN 2003) vội hỏi nội đâu rồi chạy đến ôm bà. Gia đình khó khăn, Vũ nghỉ học sớm để theo nghề sửa xe, phụ giúp gia đình.

Dù lòng như lửa đốt nhưng Vũ vẫn gắng đi làm, chốc chốc lại chạy về nhà thăm nội, tiện hỏi tin tức của ba. Vũ tâm sự, do ba ở đảo xa, liên lạc khó khăn nên thỉnh thoảng mới gọi điện về.

Hôm 16/12 là lần cuối cùng anh Nam liên lạc với gia đình, còn dặn dò Vũ: “Ba đi xa, con như trụ cột gia đình, gắng chăm lo cho bà, cho mẹ, cho em. Gần Tết rồi con đi lại cho cẩn thận. Mùa này biển đang động nên chắc ba vào trễ”.

Mấy ngày nay, đồng nghiệp anh Nam tranh thủ thời gian nghỉ, chia nhau đến thăm nom gia đình. Do đặc thù công việc, các anh thường xuyên luân chuyển công tác để quản lý, vận hành 18 ngọn hải đăng. Riêng Trạm hải đăng Hòn Hải là nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn nên ngoài sự điều động còn trên tinh thần tự nguyện.

“Anh Nam xung phong tham gia làm nhiệm vụ đợt này, thường từ 3 - 4 tháng, riêng mùa này sẽ lâu hơn vì thời tiết khắc nghiệt, tàu khó ra. Lương thực anh em phải trữ cả mấy tháng”, anh Nhẫn, cán bộ Trạm luồng hàng hải Ba Ngòi cho hay.

Ngày 22/12, đoàn công tác do ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch công đoàn GTVT Việt Nam dẫn đầu đã đến nhà anh Đoàn Cao Trai và anh Võ Thành Nam thăm hỏi, động viên gia đình. Tại đây, ông Việt chuyển lời thăm hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo Bộ GTVT đến gia đình hai công nhân; đồng thời trao hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng từ Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam và các phần quà chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ông Việt cũng cho hay, các đơn vị chức năng vẫn đang huy động lực lượng tích cực tìm kiếm hai công nhân mất tích và đề nghị Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quan tâm, vận dụng tối đa các chế độ chính sách hỗ trợ gia đình hai công nhân. Đồng thời, kêu gọi truyền thống đoàn kết, chung tay lá lành đùm lá rách trong toàn Tổng công ty để giúp đỡ hai gia đình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.