Xã hội

Vụ chi trăm triệu mua “lốt” xe xuất khẩu nông sản: Bộ Công thương nói gì?

18/01/2022, 06:00

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, cần xử lý nghiêm, triệt tận gốc các “cò” luật và minh bạch việc đăng ký thông quan.

Báo Giao thông vừa có loạt bài điều tra về việc "làm luật", mua bán lốt xe xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá cao loạt bài điều tra của Báo Giao thông và cho biết: “Cần phải có biện pháp xử lý thích đáng”.

Cần xử lý nghiêm, triệt tận gốc “cò” luật

Theo ông Hải, nếu không được báo chí phát hiện thì việc "làm luật" như thời gian qua sẽ trở thành chuyện "đương nhiên phải chi" của các nhà xe, chủ hàng.

"Trong tình huống này có câu chuyện “lúc làm giá cao lên thì mới lộ”, chứng tỏ từ trước đến giờ vẫn có tồn tại. Nhưng nếu mức giá vừa phải thì buộc nhà xe chấp nhận và không nói gì.", ông Hải nhìn nhận.

img

Hàng nghìn xe tắc ở Lạng Sơn mỗi ngày

“Trong bối cảnh các cơ quan ban ngành của tỉnh Lạng Sơn đang cùng các Bộ ngành nỗ lực thúc đẩy việc thông quan, giải phóng hàng ở khu vực cửa khẩu, hành vi "làm luật" này là hành vi cá biệt của một số cá nhân lợi dụng tình hình ùn tắc để trục lợi. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong bối cảnh khó khăn về xuất khẩu còn kéo dài, người dân và doanh nghiệp vận tải đều khó khăn, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát để loại trừ những hành vi như vậy.

“Việc xuất khẩu sang Trung Quốc rất khó khăn khi chúng ta đang thực hiện “sống chung với dịch”, còn Trung Quốc lại đang thực hiện chính sách "Zero Covid".

Phải minh bạch hóa việc đăng ký thông quan

Nói về một số quy trình thông quan có thể tạo kẻ hở cho một số cá nhân trục lợi, ông Hải cho rằng, việc thông quan phải theo trình tự. Trong khi cả nghìn xe phải xếp hàng thì việc “làm luật” đã tạo cơ hội cho một số chủ xe “vượt rào”, gây bất công bằng, bức xúc trong giới tài xế, chủ hàng.

Do vậy, ông Hải đề xuất, cần đưa việc đăng ký thông quan lên website. Khi đó, tất cả mọi người cùng giám sát về số lượng xe và số xe thông quan mỗi ngày.

"Ví dụ ngày hôm nay đi được 50 xe, thì ngày hôm sau sẽ từ số 51... Tất cả mọi người đều biết, không ai chen ngang được. Hình thức này cũng đơn giản, bây giờ đưa lên app hay website không khó khăn gì!”, ông Hải nhấn mạnh.

Trước đó, theo điều tra của Báo Giao thông, mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế phải chi hàng chục triệu đồng để “làm luật”, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”.

Tất cả các công đoạn làm thủ tục, mua bán “lốt” xe do các “nhà luật” thực hiện. Số tiền mà các tài xế, chủ xe chi cho các “nhà luật” thông thường chỉ 7- 8 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi dụng việc ách tắc tại cửa khẩu, số tiền này có lúc bị đẩy lên tới 20- 25 triệu đồng.

Sau khi loạt bài được Báo Giao thông đăng tải, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vào cuộc, các tài xế phản ánh, chi phí này đã trở lại mức bình thường như trước đây.

Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Công an tỉnh tập trung lực lượng kiểm tra, làm rõ để xử lý.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992). Cả hai đều là viên chức hợp đồng của UBND huyện Cao Lộc.

Ngoài ra, trong vụ án này, bị can Đình Văn Thìn (SN 1979, trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.

Lợi dụng tình hình ách tắc tại các cửa khẩu, Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200- 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan. Thìn đã móc nối với Hưởng và Tuấn Anh, là những người được giao nhiệm vụ viết phiếu, đánh số thứ tự các xe ra, vào bãi phân luồng, chờ thông quan trên địa bàn để đổi phiếu, cho xe mua “lốt” lên thẳng cửa khẩu xuất hàng. Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng.

Bước đầu cơ quan công an đã làm rõ, Thìn đã đưa cho các cán bộ trên tổng số tiền 800 triệu đồng.

Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 16/1/2022 là 1.351 xe, giảm 137 xe so với ngày 15/1.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, số phương tiện xuất khẩu là 105 xe (78 xe hoa quả, 27 xe mặt hàng khác), trong đó có 92 xe đi thẳng và 18 xe sang tải. Số phương tiện nhập khẩu là 317 xe, trong đó 286 xe hàng, 18 xe mới, 13 xe không sang tải. Tổng số phương tiện quay đầu về nội địa le18 xe.

Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, từ ngày 18/12/2021 đến nay vẫn tạm dừng thông quan. Tổng số phương tiện tồn là 460 xe; có 103 xe tồn tại cửa khẩu Chi Ma; 51 xe xin hạ tải tại các kho bãi để giải phóng phương tiện...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.