Điều tra

Vụ chuyến bay giải cứu: Nữ cựu cục trưởng tung chiêu vòi tiền như thế nào?

05/04/2023, 18:13

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 31 lần, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Nữ cựu cục trưởng can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức chuyến bay giải cứu

Liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu, hiện Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 54 bị can, với 5 nhóm tội danh.

Thống kê cho thấy, trong vụ án chuyến bay giải cứu, tổng cộng 21 cán bộ đã nhận hối lộ với số tiền 177,3 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc nhận hối lộ 31 lần, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.


img

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan

Ngoài cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, 8 bị can khác công tác tại Bộ Ngoại giao bị cáo buộc đã có hành vi nhận hối lộ và 4 người khác có hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng. Với vai trò là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quá trình thực hiện công vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen, liên hệ nhờ vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay combo.

Theo kết luận điều tra, trong khoảng thời gian diễn ra các chuyến bay giải cứu combo, Lan phân công cho cấp dưới trực tiếp giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay combo của doanh nghiệp.

Trên thực tế, tất cả các kế hoạch dự kiến lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay combo do Phòng Bảo hộ công dân dự thảo đều phải xin ý kiến chỉ đạo của bị can Nguyễn Thị Hương Lan, trước khi ký, trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.

Bị can Nguyễn Hương Lan đã can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức chuyến bay combo cho các doanh nghiệp theo từng tuần/tháng.

Trong quá trình thực thi công vụ, Nguyễn Thị Hương Lan hướng dẫn doanh nghiệp thân cận mượn nhiều pháp nhân khác nhau để xin chuyến bay.

Bên cạnh đó, bị can Lan chỉ đạo, đốc thúc cán bộ cấp dưới, các đơn vị có liên quan đến việc phát hành văn bản phê duyệt, cấp phép bay cho doanh nghiệp thân cận nhanh hơn.

Đối với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa tiền, bị can Lan chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số lượng công dân trên chuyến bay mà doanh nghiệp đề xuất.

Từ đó, doanh nghiệp bị động, buộc tách tuyến, "chạy" xin thêm công dân để đủ ghế trên chuyến bay giải cứu.

Chỉ tiếp xúc với doanh nghiệp lớn

Theo kết luận điều tra, Lan chỉ tiếp xúc với những doanh nghiệp lớn, thân cận hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp; không tiếp xúc với doanh nghiệp nhỏ hoặc không thân quen.

Kết luận điều tra nêu, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 đại diện doanh nghiệp đã hối lộ bà Lan với số tiền 25,08 tỷ đồng (gồm cả tiền USD và tiền VND) để thúc đẩy việc được tham gia tổ chức các chuyến bay giải cứu combo.

Trong số đó, bị can Hoàng Diệu Mơ (đại diện cho Công ty An Bình) đã hối lộ cho Nguyễn Thị Hương Lan 11 lần, tổng số tiền là 13,2 tỷ đồng, để giải quyết thủ tục hồ sơ cho công ty thực hiện 66 chuyến bay combo.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky được xác định đưa hối lộ cho Nguyễn Thị Hương Lan 8 lần, với tổng số tiền là 5,9 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị can Lan khai chỉ gặp và nhận khoảng 900 triệu đồng của các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay combo, không nhớ cụ thể số lần và số tiền của từng lần.

Kết luận điều tra thể hiện: "Nguyễn Thị Hương Lan không nhận thức được hành vi phạm tội, không ăn năn, hối cải; không hợp tác với cơ quan điều tra nên bị đề nghị xử lý nghiêm".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.