Điều tra

Vụ hô biến Dự án khoa học thành biệt thự: Cùng góp tiền để giữ công trình?

11/09/2020, 17:38
image

Bước đầu, các hộ thống nhất cùng phá tường rào và góp tiền xin chuyển đổi quy hoạch, mục đích sử dụng đất để giữ lại các biệt thự trái phép.

img
3 ngôi biệt thự nguy nga được xây dựng trong khuôn viên dự án.

Thuê nhà xưởng 10 triệu đồng/tháng

Báo Giao thông số ra ngày 10/9 đăng tải bài viết: “Bắc Ninh: 'Hô biến' dự án khoa học - đào tạo thành biệt thự, nhà xưởng”, phản ánh dù liên tục bị cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nhưng các công trình xây dựng trái phép trong dự án khoa học - đào tạo tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vẫn ngang nhiên tồn tại gây bức xúc dư luận.

Nhằm tìm hiểu nguyên nhân tại sao các công trình trái phép gồm biệt thự, nhà xưởng này lại có thể tồn tại trong thời gian dài tại đây, những ngày gần đây, PV Báo Giao thông đã có mặt tìm hiểu thực tế.

Tiếp PV trong nhà xưởng rộng khoảng 1 nghìn m2, bà Nguyễn Thị H, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu BH. cho biết, nhà xưởng này là do Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (đơn vị trực thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - PV) xây dựng, chúng tôi đã thuê lại để làm nhà xưởng lắp ráp, kiểm định, kho chứa xe đạp, xe máy điện từ hơn 2 năm nay.

Giá thuê nhà xưởng là 10 triệu đồng/tháng, được nộp trực tiếp cho cán bộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

img
Cận cảnh một ngôi biệt thự được xây dựng trái phép tại dự án.

“Thời gian gần đây, phần vì việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, phần vì qua tìm hiểu tôi được biết, diện tích nhà xưởng này được xây dựng trên đất không hợp pháp nên đang có kế hoạch trả lại nhà xưởng này để đến địa điểm khác hoạt động cho ổn định hơn”, bà Nguyễn Thị H nói.

Tương tự, tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp Khoa học - Đào tạo tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm chủ đầu tư này hiện vẫn còn vài nhà xưởng hoạt động. Tuy nhiên, các đơn vị luôn cửa đóng, then cái, hoặc khép hờ để tránh sự dò xét của người ngoài.

Bàn nhau góp tiền “xin” giữ biệt thự

Rời khu nhà xưởng sản xuất, chúng tôi đến khu biệt thự kế bên trong dự án, thấy người lạ, bà N.K.T, đang quét dọn trong nhà ra hỏi thăm, mời khách vào nhà.

Trong câu chuyện, bà T chia sẻ, gia đình bà và các hộ ở đây đều là công chức về hưu. Năm trước, vì nghe theo lời quảng cáo của lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, các hộ đã về đây mua đất, xây nhà ở với diện tích 500 m2/lô biệt thự.

img
Xưởng sản xuất gỗ xây dựng trái phép trong dự án nhưng cửa luôn khép hờ để tránh ánh mắt của người lạ.

“các gia đình đã phải mua đất với giá 80 triệu đồng/m2, cả lô 500 m2 là 4 tỷ đồng. Ngoài ra, bao nhiêu tiền tích cóp được trong những năm công tác đều đổ dồn vào xây biệt thự này với hơn 10 tỷ đồng.

Khi đó, lãnh đạo nhà trường quảng cáo là đất rẻ, lại yên tĩnh, thoáng mát, đồng thời cam kết sẽ lo thủ tục liên quan nên gia đình tôi mới về đây mua đất, xây dựng nhà ở”.

Cũng theo bà T, quá trình xây dựng công trình thì hầu như không có cán bộ hay cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Chỉ khi công trình đã cơ bản hoàn thiện thì mới có người đến lập biên bản thì đã thành “chuyện đã rồi” như hiện nay.

Clip ghi lại hiện trường vụ việc.

Gần đây nhất, ngày 27/8 vừa qua, cán bộ thị xã Từ Sơn đến đưa thông báo yêu cầu tháo dỡ và tuyên bố nếu trong ngày 28/8, các hộ tự phá dỡ cổng, tường rào xung quanh thì sẽ tạo điều kiện cho giữ lại các căn nhà biệt thự phía trong. Nếu không hợp tác thì họ sẽ cho máy đến cưỡng chế, đập phá hết. Lúc đó, các hộ vừa mất tài sản lại phải trả công thuê máy, trả công cho đoàn cưỡng chế.

“Thấy vậy, ngày 28/8 gia đình tôi và các hộ xung quanh đã buộc phải thuê người đến phá dỡ cổng, tường rào tiền tỷ này. Nhìn tài sản lớn, đứa con tinh thần của mình vỡ vụn theo từng nhát búa, ai cũng xót xa, chảy nước mắt”, bà T ngậm ngùi nói.

Sau ít phút trấn tĩnh lại, bà T cho biết thêm, hiện các hộ đang bàn nhau góp mỗi hộ vài trăm triệu đồng để đến gặp những người có trách nhiệm ở địa phương “xin” giữ lại nhà; thôi thì còn nước còn tát.

Trao đổi với Báo chí, ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh khẳng định: “Với tinh thần thượng tôn pháp luật, UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh khẳng định sẽ không làm ngơ, bao che cho sai phạm trên của chủ đầu tư. Tỉnh cũng sẽ không cấp phép xây dựng nhà ở biệt thự, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ Dự án xây dựng Khu liên hợp khoa học - đào tạo sang đất ở biệt thự tại vị trí này. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Được biết, Giáo sư Trần Phương hiện đang là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trao đổi với PV Báo Giao thông về các công trình sai phép trên, lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: Hiện nay, những sai phạm liên quan tại dự án trên đang có đoàn thanh tra của tỉnh Bắc Ninh đến làm việc với đơn vị. Sau khi có kết luận chính thức, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam sẽ thông tin đến báo chí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.