Thời sự Quốc tế

Phiên tòa lịch sử của bà Trần Tố Nga: "Tôi sẽ tranh đấu đến cùng"

27/01/2021, 11:18

Phiên tòa xét xử vụ án dân sự đầu tiên của một người Pháp gốc Việt với các công ty hóa chất nước ngoài nhận được quan tâm rất lớn của dư luận.

img

Bà Trần Tố Nga từng là phóng viên đưa tin trong cuộc chiến Mỹ xâm lược Việt Nam và bị nhiễm chất độc da cam

Một vụ kiện mang tính lịch sử

Phiên tranh tụng liên quan tới vụ khởi kiện của bà Trần Tố Nga, hiện là công dân Pháp gốc Việt, đối với các công ty hóa chất quốc tế sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh, gây hệ lụy lớn cho bao thế hệ người Việt bị nhiễm độc, vừa bắt đầu từ đầu tuần này tại tòa đại hình thành phố Evry, Pháp.

Bà Trần Tố Nga từng là nhà báo đưa tin về cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam, đã đệ đơn kiện 26 công ty đa quốc gia vì gây ra những vấn đề sức khỏe dai dẳng cả đời cho bà và gia đình, liên quan tới chất độc hóa học.

Trong số các công ty đó, 12 nhà sản xuất hóa học đã bị bán hoặc đóng cửa trong năm qua, chỉ có 14 công ty tham gia phiên tòa bao gồm nhiều công ty lớn như Bayer-Monsanto, Dow Chemical, Harcros Chemicals, Uniroyal Chemical và Thompson-Hayward Chemical...

Hàng loạt tờ báo lớn tại Pháp và trên thế giới đã quan tâm và theo sát vụ kiện. Chia sẻ với tờ FranceInfo, bà Nga cho biết: “Cả thế giới đều biết đến câu chuyện về chất độc màu da cam. Bồi thường cho tôi, với những công ty đa quốc gia này, không là gì. Nhưng đằng sau tôi, còn có hàng nghìn nạn nhân. Tôi chiến đấu cho gia đình mình, đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi cũng tranh đấu cho những nạn nhân chất độc màu da cam để đặt ra một án lệ liên quan tới chất độc màu da cam”, khích lệ các nạn nhân khác tiến hành khởi kiện.

img

Hàng nghìn trẻ em bị dị tật bẩm sinh vì hệ lụy từ chất độc da cam

Trong cuộc xâm lược tại Việt Nam, để ngăn bước tiến của quân Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 20 triệu gallon (76 triệu lít) chất độc màu da cam xuống rừng rậm và các khu vực lân cận, từ năm 1961 đến năm 1971. Hành động này đã phá hủy mùa màng, làm ô nhiễm đất đai và khiến động vật bị nhiễm độc. Nhưng đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất lại chính là con người.

Chất dioxin trong chất độc màu da cam gây ra nhiều bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh và hàng loạt vấn đề khác.

Tờ Connexion dẫn lời bà Nga chia sẻ: “Khi bạn nhìn tôi, tôi có vẻ khỏe mạnh đấy. Nhưng thực sự, tôi rất nhiều bệnh”. Bà Nga đang phải chịu đựng ung thư, béo phì tuýp 2, bệnh lao, bất thường hiếm về insulin và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Một cô con gái của bà, được sinh ra sau 3 năm kể từ khi bà Nga nhiễm chất độc, đã qua đời chỉ thời gian ngắn sau sinh vì dị tật tim.

Trên quy mô rộng hơn, Tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam cũng ước tính, hơn 3 triệu người phải chịu đựng những hệ lụy từ chất độc màu da cam.

“Đó là vì một số chất độc nhiễm vào trong đất, mạch nước ngầm được dùng để cung cấp cho nhiều khu vực nông thôn và thành phố lớn" - hãng tin RFI dẫn lời tác gỉa André Bouny từng viết cuốn sách về Chất độc Màu da cam cho biết.

Chính vì vậy, “phiên tòa này mang ý nghĩa lịch sử vì nó sẽ đặt ra tiền lệ cho tất cả các nạn nhân chất độc màu da cam khác” - ông Bouny chia sẻ thêm.

img

Bà Nga chia sẻ với báo giới tại Pháp. Vụ xét xử thu hút sự quan tâm lớn từ báo chí trong nước và quốc tế

"Tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!"

Phiên tòa tại Evry đánh dấu sự kiện đầu tiên kể từ khi bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên vào tháng 4/2014. Kể từ đó, sau 19 phiên thủ tục, thẩm phán mới quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020, nhưng lại tiếp tục hoãn vì do dịch COVID-19 đến nay.

Bà Nga từng chia sẻ: "Tôi đã gần 80 tuổi rồi. Những luật sư đại diện cho các công ty hóa chất đã tìm mọi cách để trì hoãn phiên tòa nhưng tôi sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng".

Đưa tin về sự kiện, hãng tin BBC cho biết, qua pháp luật, bà Nga muốn được công nhận về những vấn đề mà bà, gia đình và nhiều người khác đang gặp phải do chất độc Da cam. Bởi đến nay, mới chỉ có cựu binh từ Mỹ, Hàn Quốc, Australia nhận được bồi thường vì hậu quả của chất hóa học diệt cỏ, hãng tin France 24 nhấn mạnh.

Nếu có một quốc gia độc lập nhìn nhận về vấn đề này thì đó chính là sự nhìn nhận cho tất cả các nạn nhân. Tuy nhiên, tại phiên xét xử vừa rồi, các công ty hóa chất tranh tụng rằng, họ không thể bị bắt chịu trách nhiệm khi việc sử dụng chất độc hóa học là quyết định của quân đội Mỹ.

Mặt khác, bà Nga và các luật sư cho rằng, các nhà sản xuất bị kiện vì đã đánh lừa chính phủ Mỹ về mức độc hại thật sự của các chất hóa học đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.