Xã hội

Vụ máy bay SU-22 rơi: Tìm bằng được hộp đen

22/04/2015, 13:05

Phải tìm được hộp đen của máy bay SU-22 thì mới có thể đánh giá chính xác nguyên nhân máy bay gặp nạn.

may-bay-roi1

Tìm mảnh vỡ máy bay Su-22 rơi

Tối 21/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, liên quan đến việc hai máy bay SU-22 gặp sự cố, dù bằng kinh nghiệm có thể đưa ra giả thiết đánh giá vụ tai nạn máy bay đã diễn ra như thế nào, nhưng nhất định phải chờ đến khi tìm được hộp đen của chiếc máy bay mới có thể đưa ra nguyên nhân khách quan, chính xác nhất.

Trước câu hỏi của PV rằng liệu có phải do các máy bay quân sự đã quá cũ nên khi tiếp tục khai thác dễ xảy ra sự cố, tai nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho rằng, tất cả các máy bay hết hạn sử dụng đều phải thay thế. Để đảm bảo an toàn bay, tất cả các quy trình bảo dưỡng, bảo quản, trung tu, đại tu được thực hiện thường xuyên theo quy định. Nội dung kiểm tra, bảo dưỡng máy bay, trực thăng cũng được thực hiện thường xuyên và trước khi bay. Tất cả máy bay phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được cất cánh.

Cũng theo Trung tướng Tuấn, không chỉ sau sự cố này, mà sau bất cứ sự cố nào, Bộ Quốc phòng cũng đều có những buổi tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có chỉ đạo sẽ tổ chức những hội nghị riêng về chuyên môn kỹ thuật để đánh giá toàn bộ. Theo đó, tất cả những nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không, hậu cần, điều hành, tổ chức, chỉ huy về nhân sự, về chất lượng huấn luyện sẽ được đánh giá lại theo đúng quy định của điều lệ bay, để từ đó rút kinh nghiệm, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Liên quan đến sự cố hai máy bay SU-22 gặp tai nạn khi đang trong quá trình huấn luyện, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, hiện nay mới chỉ xác định được vị trí tương đối của hai máy bay bị nạn, còn hai phi công là Trung tá Lê Văn Nghĩa và Đại úy Nguyễn Anh Tú vẫn chưa tìm được. Theo kinh nghiệm cũng như đánh giá qua một số vụ tai nạn máy bay đã từng xảy ra, nhiều khả năng hai phi công không còn sống sót.

Đến hết ngày 21/4, bước sang ngày tìm kiếm thứ 6, lực lượng chức năng đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ liên quan tới hai máy bay SU-22, nhưng vẫn chưa thấy dấu vết của các phi công.

Theo thông tin mới nhất mà Trung tướng Võ Văn Tuấn cung cấp, trong ngày tìm kiếm thứ 6, các lực lượng chức năng cũng chỉ tìm thấy thêm một vài mảnh vỡ của máy bay gặp nạn, trong số mảnh vỡ đó có đài liên lạc của phi công, theo dự đoán là khi máy bay phát nổ, đài liên lạc này đã văng ra và chìm xuống biển.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào trưa 16/4, biên đội gồm 2 máy bay SU-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc lúc 11h35. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km. Hai phi công bị mất tích là Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và Đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.