Y tế

Vụ ngộ độc khí do ngủ trong ô tô ở Hải Phòng: Sức khỏe 2 bố con ra sao?

02/06/2023, 20:03

Hiện 2 trong số 3 nạn nhân của vụ ngộ độc khí do ngủ trong ô tô ở Hải Phòng đã được chuyển lên điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108.

Chia sẻ thông tin về vụ 3 người trong cùng gia đình ở Hải Phòng bị ngộ độc khí khi ngủ trong ô tô, BS. Đào Phú Hà, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Kiến An (Hải Phòng) cho biết, ngoài nạn nhân P.M.H (nữ, 20 tuổi, trú tại An Lao, Hải Phòng) tử vong, do ngạt quá lâu, thì 2 người còn lại là P.K.N (15 tuổi) và P.V.T (49 tuổi) tình hình sức khỏe khá hơn và đã được chuyển lên điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108. Cả 3 nạn nhân là người trong cùng 1 gia đình.

Theo BS. Hà, bệnh nhân N. đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng. Nhờ các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhân N. tiến triển tốt hơn, nồng độ oxy trong máu cao hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn.

img

Ngủ trong ôtô rất nguy hiểm (ảnh minh họa)

Còn bệnh nhân P.V.T thời điểm vào viện tỉnh táo hơn, được hỗ trợ thở máy.

“Ngoài nghi ngờ ngộ độc CO, bệnh nhân còn có thể bị ngộ độc chì do nổ xe trong gara kín. Do vậy, bệnh viện chuyển bệnh nhân lên tuyến trên tiếp tục điều trị”, BS. Hà thông tin thêm.

Khi chuyển viện, bệnh nhân T. đã tỉnh hoàn toàn nhưng vẫn phải thở máy; bệnh nhân N. còn kích thích, được sử dụng thuốc an thần, huyết động và oxy trong máu đã ổn định.

Được biết, em N. đã bỏ lỡ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do gặp sự cố đáng tiếc này.

Vụ việc xảy ra vào đêm ngày 1/6, do khu vực gia đình ở mất điện, nên 3 bố con đã tìm ra xe ô tô bật máy lạnh để ngủ. Chỉ đến 3h sáng hôm sau, người nhà phát hiện ra, đưa đi cấp cứu.

Đánh giá về vụ việc này, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình huống bất tỉnh, hôn mê trên ô tô là ngộ độc khí CO và metan do máy động cơ sinh ra… Đặc biệt khí CO không có mùi, biểu hiện nhiễm độc CO cũng từ từ không gây ra bất kỳ cảnh báo nào đối với cơ thể. Khi nồng độ CO cao nó gắn chặt với hồng cầu và làm hồng cầu của người ở trong môi trường nhiễm độc không chở oxy được nữa, khiến bệnh nhân lịm dần đi.

Để tránh trường hợp này, người dùng nên lấy gió ngoài, hoặc mở hé cửa kính để tạo lưu thông không khí trong và ngoài xe; bên cạnh đó cần lưu ý đậu xe ở nơi thông thoáng, tránh trong gara kín.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.