Hạ tầng

Vui Tết bên những cây cầu dân sinh

04/02/2019, 09:37

Với gần 800 cây cầu dân sinh của Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) được giao triển khai...

img
Cầu Thà Tò bắc qua sông Kỳ Cùng tại xã Hùng Sơn, Tràng Định, Lạng Sơn - Ảnh: Ngô Thùy

Với gần 800 cây cầu dân sinh của Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) được giao triển khai, Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã góp phần tích cực vào việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn ở nhiều vùng, miền của Tổ quốc.

Khi ước mơ ngàn đời thành hiện thực

Từ ngày có cây cầu dân sinh bắc qua suối Khe Thọ, người dân thôn Phúc Long 4 và các thôn Trung Thành 1, 2, 3, 4 của xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang không còn thấp thỏm nỗi lo mưa lớn, lũ về. Cầu có thiết kế mặt cầu rộng từ 3,5 - 4m bằng bê tông cốt thép, trụ cứng, tuổi thọ trung của cầu từ 50 - 75 năm giúp người dân qua lại thuận lợi, an toàn ngay cả khi mưa lũ.

Ông Bàn Văn Hai, Trưởng thôn Phúc Long 4 cho biết, trước đây mỗi khi mưa lớn, lũ về, nước suối Khe Thọ chảy xiết, bà con phải đi vòng qua xã Thái Hòa, xa hơn 14km rồi mới vòng về được khu trung tâm của xã. Từ khi có cây cầu, đi lại thuận lợi, an toàn rất nhiều, giảm nguy cơ tai nạn đuối nước, giúp giao thương hàng hóa, tạo đà phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. “Có cây cầu, bà con ai cũng phấn khởi, vì mong ước ngàn đời của người dân nơi đây đã thành hiện thực”, ông Hai tâm sự.

Đây là 1 trong 50 cây cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP được phê duyệt xây dựng tại Tuyên Quang. 50 cây cầu này nằm trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình sẽ thay thế những cây cầu treo cũ nát mất ATGT, hoặc những vị trí chưa có cầu, bà con phải lội suối đi đường vòng xa xôi, gập ghềnh.

Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện Dự án LRAMP, đến nay toàn quốc đã khởi công xây dựng 1.112/2.174 cầu, hoàn thành 700 cầu. Dự kiến, đến hết năm 2018, sẽ hoàn thành khoảng 900 cầu và trong năm 2019 khoảng 95% số cầu sẽ được khởi công, năm 2020 cơ bản hoàn thành toàn bộ các cầu. Hiện nay, các thủ tục tạm ứng, thanh toán với lượng vốn 2018 còn lại cơ bản đã hoàn thành, công tác giải ngân đảm bảo theo kế hoạch.

Cũng thực hiện dự án LRAMP, đối với Hợp phần đường (UBND tỉnh là cấp quyết định đầu tư các dự án thành phần), đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã triển khai thi công khôi phục cải tạo 404km trên phạm vi 13/14 tỉnh (trừ tỉnh Quảng Trị chưa được bố trí kế hoạch vốn), hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 125km (5/14 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Định). Hiện, 14/14 tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chi tiêu trung hạn 2018 - 2020. Công tác bảo trì đường địa phương năm 2018 thực hiện vượt so với kế hoạch, vốn bảo trì đạt 614 tỷ/460 tỷ, số km được bảo trì thường xuyên đạt 37.241/35.700km so với dự kiến theo hiệp định.

Trung tuần tháng 12/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GTVT và các UBND tỉnh, Sở GTVT địa phương liên quan đến hai dự án về rà soát tình hình triển khai thực hiện Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (Vramp) và Dự án LRAMP, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hai dự án đã được triển khai tích cực, qua việc thực hiện trong hai năm 2017-2018 là đáp ứng các yêu cầu chung của dự án về các mặt tiến độ thực hiện, giải ngân, quản lý đấu thầu, tài chính, môi trường - xã hội.

Phía WB cũng đánh giá cao vai trò chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban QLDA 3 quản lý sâu sát, kịp thời xử lý tốt đối với các dự án để đảm bảo các dự án đúng tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra.

img
Đoàn công tác của Ban QLDA3 và Sở GTVT Lào Cai khảo sát vị trí xây dựng cầu dân sinh ở Mường Khương, Lào Cai

Góp sức nối nghìn niềm vui

Dự án LRAMP được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong vùng mưa lũ; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.

Dự án LRAMP được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016, gồm 3 hợp phần chính:

Hợp phần 1: Khôi phục, cải tạo đường địa phương, thực hiện trên địa bàn 14 tỉnh.
Hợp phần 2: Xây dựng cầu dân sinh, thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, thành.
Hợp phần 3: Tư vấn chung Dự án có tổng mức đầu tư trên 9.203 tỉ đồng (tương đương 408,93 triệu USD); trong đó, vốn vay WB là 385 triệu USD (tương đương 8.664,81 tỉ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 538,58 tỉ đồng (tương đương 23,93 triệu USD)

Mục tiêu của Dự án LRAMP là phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường địa phương nhằm tăng cường tính kết nối và bền vững của toàn hệ thống giao thông phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chia sẻ thịnh vượng; hỗ trợ xây dựng các cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa cho các vùng miền trên toàn quốc.

Dự án LRAMP bắt đầu triển khai từ năm 2016, hợp phần cầu của Dự án được triển khai trên địa bàn 50 tỉnh, vốn thực hiện được vay từ nguồn tài trợ WB, tổng vốn vay của dự án là 385 triệu USD gồm 3 hợp phần: Hợp phần đường có 14 tỉnh tham gia với tổng 135 triệu USD, được giao cho UBND tỉnh là cơ quan chủ quản và quyết định đầu tư các tiểu dự án, Sở GTVT/Ban quản lý dự án địa phương là cơ quan thực hiện; Hợp phần cầu dân sinh với tổng vốn là 245,5 triệu USD được triển 50 tỉnh và hợp phần hỗ trợ kỹ thuật 4,5 triệu USD do Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư, 4 ban quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành (Ban QLDA3, 4, 6, 8) là đơn vị quản lý dự án.

Với Dự án LRAMP, Ban QLDA3 được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao quản lý dự án trên 16 tỉnh với tổng số vốn là 1.872 tỷ đồng để triển khai khoảng 781 cầu. Sau 2 năm triển khai Dự án LRAMP (năm 2017 và 2018), Ban QLDA3 đã ký 77 hợp đồng xây lắp để thi công 642 cầu; đã cơ bản hoàn thành 275 cầu, đã nghiệm thu hoàn thành 182 cầu. Số cầu còn lại (hơn 100 cầu) sẽ được ban tiếp tục triển khai thi công nốt trong năm 2019.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA3, trong điều kiện nguồn vốn không lớn, mỗi cây cầu giá trị chỉ 500 - 700 triệu đồng đến vài tỷ đồng, cây cầu nào thật đặc biệt mới lên đến 10 tỷ đồng nên quá trình thực hiện dự án này, Ban QLDA 3 đã phải rà soát, lựa chọn kỹ những vị trí tốt nhất, tiết kiệm nhất.

Ngoài ra, việc thi công, xây dựng các cây cầu dân sinh đều nằm ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh, việc vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc rất khó khăn, điều kiện sinh hoạt, làm việc của cán bộ, công nhân khảo sát, thi công cầu cũng rất vất vả. Do đó, quá trình khảo sát, tư vấn, thiết kế đến thi công các cây cầu dân sinh, ban và các đơn vị liên quan đều có sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự phối hợp tốt, chặt chẽ cùng chính quyền địa phương.

Đồng thời, bản thân cán bộ, công nhân viên phải nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực, vật tư thiết bị, triển khai nhiều mũi thi công, đồng thời tăng ca kíp để sớm hoàn thiện các cây cầu đảm bảo chất lượng, đạt và vượt tiến độ, sớm đưa vào sử dụng để đảm bảo nhu cầu lưu thông thuận tiện, an toàn cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.