Quản lý

Vượt khó bứt phá giải ngân dự án giao thông

28/01/2022, 14:08

Dù phải đối diện với những khó khăn chưa từng có nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của ngành GTVT là một trong những điểm sáng.

Dù nằm trong tâm dịch Covid-19, đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng các dự án giao thông trọng điểm, nhất là cao tốc Bắc - Nam vẫn hối hả thi công, đóng góp lớn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công nằm trong top đầu của Bộ GTVT.

img

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 9/12/2021. Ảnh: Vĩnh Phú

Covid-19 không thể “đóng băng” công trường

Những ngày cuối năm, khuôn mặt ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành cao tốc Mai Sơn - QL45 được kéo giãn khi khối lượng thi công của dự án trọng điểm này đã bắt kịp kế hoạch.

Phần vốn còn lại phải giải ngân trong năm 2021 không còn nhiều và đảm bảo sẽ “tiêu” hết khi năm tài khóa khép lại.

Tuy vậy, nhớ lại khoảng thời gian khó khăn khi đợt dịch lần thứ 4 mới bùng phát, ông Long kể: “Lúc đó, chúng tôi thật sự bế tắc. Quy định của mỗi địa phương một kiểu khi thực hiện quy định về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu, nhân sự đến công trường bị ngưng trệ lại. Mọi việc đều khó khăn vô cùng, nhiều lúc tưởng chừng công trường phải đóng cửa”.

“Rất may Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm đang thi công trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Nhất là việc mở luồng xanh vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm. Nếu không có luồng xanh, chắc công trường phải tạm dừng”, ông Long nói.

Hơn 1.500 công nhân dự án phải ăn nghỉ nhiều tháng liền tại công trường, tránh để Covid-19 ảnh hưởng đến dự án. Chia sẻ với PV, anh Lê Tiến Thành, kỹ sư phụ trách thi công hầm Thung Thi cho biết, hơn 300 công nhân tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ”, cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Bản thân anh 8 tháng không rời công trường.

“Nghĩ thương vợ con, nhưng xin về khi dịch phức tạp không may tiếp xúc F0, F1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công trường dự án”, anh Thành tâm sự.

Lái xe Nguyễn Ngọc Lĩnh cho biết, nhiều tháng ròng làm “3 tại chỗ” tại công trường, cuộc sống nhiều thay đổi khi thời gian về với vợ con không thể thực hiện 1 tháng/lần như thường lệ.

“Đứa cháu lấy vợ cũng không được về chúc mừng, rất áy náy. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi đều phải nỗ lực vì tiến độ dự án”, anh Lĩnh tâm sự.

Mấu chốt giải ngân là “việc phải chạy”

Từng nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” khi liên tục bị Bộ GTVT phê bình do kết quả giải ngân thấp trong những tháng đầu năm, tuy vậy, Ban QLDA 6 lại có sự bứt phá mạnh mẽ kể từ thời điểm tháng 6/2021 khi đơn vị này có sự thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Ngoài các giải pháp quyết liệt của Bộ GTVT và nỗ lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, điểm sáng về kết quả giải ngân vốn đầu tư của Bộ GTVT năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu thi công cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Trong năm 2021, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết (Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133) về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Nếu tính đến cuối tháng 5/2021, Ban QLDA 6 chỉ giải ngân vỏn vẹn 222 tỷ đồng, đến thời điểm cuối năm, Ban QLDA 6 đã gần như cán đích.

Nhớ về khoảng thời gian khó khăn khi dịch mới bùng phát, ông Trần Hữu Hải, Q.Giám đốc Ban QLDA 6 chia sẻ, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội tác động rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án.

Điều này buộc các chủ đầu tư, ban quản lý phải đưa ra những giải pháp mới vừa thi công, vừa phòng dịch trên công trường để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn.

“Mấu chốt giải ngân là việc phải chạy, dự án phải có sản lượng thi công và khối lượng nghiệm thu thanh toán. Ngay sau khi tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu trong tháng 7/2021, chúng tôi thiết lập hệ thống phần mềm họp trực tuyến với ban điều hành dự án, các nhà thầu, tư vấn để chỉ đạo công tác tổ chức thi công hàng ngày, hàng tuần”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, đã chỉ đạo ban điều hành dự án phải khoanh vùng khu vực lán trại và nhà điều hành của nhà thầu trên công địa từng gói thầu để chính quyền địa phương quản chặt người ra, người vào, không để công trường gián đoạn trong quá trình thi công.

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chia sẻ, khoảng thời gian dịch bùng phát nghiêm trọng, Bộ GTVT coi mỗi công trường là một “vùng xanh”. Công trường thi công được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Bộ GTVT cũng hướng dẫn kỹ càng, tỉ mỉ từng hoạt động tổ chức thi công trên công trường, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. “Việc này đảm bảo công tác thi công tại các dự án, công trình giao thông hoạt động bình thường khi dịch Covid-19 lan rộng, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, giải ngân vốn đầu tư công”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, kiểm soát chặt quy trình thi công là yếu tố then chốt nhất. Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban (trực tiếp và trực tuyến) để kiểm điểm về tình hình xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công theo lịch trình hàng tháng, hàng tuần; thậm chí là trong cuộc hội ý đột xuất của lãnh đạo Bộ để tháo gỡ, xử lý ngay các vướng mắc, phát sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021. Các dự án chậm giải ngân sẽ bị điều chuyển vốn sang dự án khác giải ngân tốt hơn.

Đồng thời, kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm được Bộ GTVT lấy là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021 của thủ tưởng các cơ quan, đơn vị liên quan.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, dù phải đối diện với những khó khăn chưa từng có trong dịch Covid-19 và tình trạng thiếu vật liệu đất đắp, cát sỏi trên diện rộng nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của ngành GTVT là một trong những điểm sáng và lọt top đầu giải ngân trong số các Bộ, ngành cả nước.

Bộ GTVT lọt top giải ngân cao nhất cả nước

Trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài), Bộ đã phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

Dự kiến, đến hết tháng 1/2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt khoảng 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường cất/ hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...).

Năm 2022, Bộ GTVT được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.