Thế giới giao thông

Tỷ phú Warren Buffet kiếm lời hơn 7 tỷ USD nhờ biết “chọn mặt gửi vàng"

26/11/2021, 07:32

Tỷ phú Mỹ đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi người đàn ông mang tên Wang Chuan-Fu, CEO của BYD.

“Chọn mặt gửi vàng”

13 năm trước, tỷ phú Warren Buffet đưa ra quyết định có phần liều lĩnh khi đầu tư vào Công ty BYD (viết tắt của Build Your Dream - Xây dựng ước mơ) của Trung Quốc, nhất là khi nhiều người vẫn còn định kiến về chất lượng hàng "Made in China" và xe điện vẫn còn là điều ít người nghĩ tới.

Bên cạnh đó, tại thời điểm đầu tư, với tỷ phú Buffet (78 tuổi), công nghệ là một lĩnh vực quá xa vời. Ông từng thừa nhận: “Tôi chẳng biết gì về điện thoại hay pin (vốn là lĩnh vực chính của BYD) và tôi cũng chẳng hiểu nhiều về ô tô”.

Nhưng, bên cạnh ông có Charlie Munger và David Sokol, những người hiểu rất sâu về những lĩnh vực này. Chính Munger đã thuyết phục ông Buffet mua cổ phiếu của BYD với lý do “vì BYD có CEO Wang Chuan-Fu”.

img

Tỷ phú Warren Buffet (trái) và CEO BYD Wang Chuan-Fu. Ảnh: AP

Sau khi trò chuyện cùng Munger, tỷ phú Buffet đã điều David Sokol, Chủ tịch Công ty năng lượng MidAmerican Energy thuộc sở hữu của Berkshire tới Trung Quốc đánh giá BYD.

“Con người ông ấy là sự kết hợp giữa Thomas Edison (thiên tài phát minh của Mỹ) và Jack Welch (Chủ tịch Tập đoàn General Electric, một người đã quyết là làm đến cùng)”,

Charlie Munger nói về CEO Wang Chuan-Fu của BYD

Sau chuyến đi, cả 3 người nhận định BYD có tiềm năng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực ô tô điện và có thể dẫn đầu thị trường năng lượng điện mặt trời đang phát triển cực nhanh.

Ban đầu, theo hãng tin CNN, Berkshire Hathaway định mua tới 25% cổ phiếu của BYD nhưng CEO Wang từ chối. Vị Giám đốc Trung Quốc thừa nhận muốn làm kinh doanh với Buffet để củng cố thương hiệu và mở cửa ra thị trường Mỹ nhưng sẽ không bán quá 10% cổ phần của BYD.

Cuối cùng, Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet đã rót vốn, mua 225 triệu cổ phiếu của BYD với giá 232 triệu USD từ năm 2008. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị cổ phiếu của Berkshire tại BYD đã tăng 5,9 tỷ USD.

Trong năm 2021, cổ phiếu BYD tiếp tục tăng thêm 34%. Nếu Berkshire vẫn chưa bán cổ phiếu đồng nghĩa họ thu về thêm 2 tỷ USD nữa.

Vượt các đối thủ “khổng lồ” trong cuộc đua chế tạo xe điện giá rẻ

Xuất thân từ một nhà hóa học, nghiên cứu chính trị, Wang Chuan-Fu gây dựng BYD từ năm 1995 ở tuổi 29 tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Để khởi nghiệp, Wang mạnh dạn huy động 300.000 USD từ người thân, thuê mảnh đất rộng 2.000m2 chuyên sản xuất pin có thể sạc, cạnh tranh với các mặt hàng của Sony và Sanyo.

BYD đã chọn cách tiếp cận khác với các thương hiệu của Nhật, đó là không lao vào đầu tư máy móc, dây chuyền lắp ráp bằng robot đắt đỏ mà thuê hàng nghìn nhân công - nguồn lực dồi dào tại Trung Quốc - để giảm chi phí.

Sau 5 năm, BYD trở thành một trong những nhà sản xuất pin điện thoại lớn nhất thế giới. Công ty này tiến tới thiết kế và sản xuất linh kiện cho Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung.

Wang bắt đầu bước chân vào ngành ô tô từ năm 2003 qua thương vụ mua lại một công ty ô tô thuộc sở hữu Nhà nước phá sản.

img

Mẫu xe điện HAN của BYD.

Theo nguồn tin của CNN, Wang từng sở hữu một chiếc Mercedes và Lexus nhưng không phải vì mục đích hưởng thụ xa hoa mà là để mày mò cách hoạt động của 2 loại xe.

Có lần trong một chuyến thăm Mỹ, Wang còn định tháo cả chiếc ghế trên xe Toyota phục vụ việc đi lại trong thời gian công tác, để tìm hiểu.

Ngay tháng 10 cùng năm, xe F3 của BYD đã trở thành mẫu sedan bán chạy nhất tại Trung Quốc, vượt mặt các thương hiệu như Volkswagen Jetta hay Toyota Corolla.

Sau đó, BYD bắt đầu bán xe lai điện và một lần nữa đi trước GM, Nissan và Toyota. Xe lai điện F3DM của hãng có thể chạy 62 dặm (100km) trong 1 lần sạc, cao hơn tất cả các dòng xe điện cùng loại trong khi có giá chỉ 22.000 USD.

CNN đánh giá, công ty khởi nghiệp này đã bứt phá, vượt lên các đối thủ “khổng lồ” trong cuộc đua chế tạo xe điện giá rẻ.

Hiện tại, BYD đang có gần 230 nghìn nhân viên, hơn chục nhà máy ở cả Trung Quốc và nước ngoài như Ấn Độ, Hungary, Romania…

Từ năm 2008, Wang đã tin rằng, với phương tiện năng lượng mới, Trung Quốc có thể ngang hàng, thậm chí dẫn trước các nước khác. Thực vậy, hiện tại, Trung Quốc đại lục đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Không dừng lại ở tham vọng chiếm lĩnh thị trường ô tô điện và lai điện ở Trung Quốc, Wang đặt mục tiêu đưa thương hiệu BYD trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu vào năm 2025.

Tại thời điểm này, BYD đang là nhà sản xuất ô tô đứng đầu Trung Quốc và đứng thứ 6 trên thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.