Hạ tầng

WB 5 “chạy nước rút” để về đích đúng tiến độ

22/02/2015, 08:18

2015 được xem là năm “chạy nước rút” đối với dự án WB5.

912
Tàu vận tải hàng hóa trên tuyến hành lang đường thủy số 2

Khơi thông hai tuyến đường thủy

Đến nay tất cả các hợp đồng (gồm 18 hợp đồng) của Hợp phần B, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ĐBSCL đã được đấu thầu và triển khai thực hiện. Những chiếc ghe, thuyền chở hàng nông sản từ Kiên Giang đã có thể nối đuôi nhau theo tuyến kênh Tri Tôn - Tám Ngàn về An Giang qua Đồng Tháp Mười. Tuyến kênh này thuộc gói thầu NW3, 4 đã được nạo vét hoàn thành từ cuối năm 2013. Cùng với đó là nâng cấp 6 cầu bắc qua kênh để nâng tĩnh không, xây dựng đường và cầu dân sinh để thuận lợi cho người dân đi lại.

Dự án WB5, trong đó Hợp phần B có nhiệm vụ nạo vét hành lang đường thủy số 2 và xây mới các cầu trên tuyến để đảm bảo tĩnh không thông thuyền. Hiện tại, các nhà thầu đang gấp rút triển khai các gói thầu NW8,9. Đồng thời thực hiện xây dựng 17 cầu như: Cầu Thạnh Lộc, Ngân Hàng, Chợ Đệm... Đặc biệt, hạng mục âu tàu Rạch Chanh được xem là điểm “tắc” trên hành lang đường thủy số 2 bao nhiêu năm nay cũng đang được triển khai để gấp rút hoàn thiện.

Mục tiêu của dự án là nâng cấp hành lang đường thủy số 2 đạt chuẩn kênh cấp III, đảm bảo bề rộng, chiều sâu đạt yêu cầu. Đồng thời lắp đặt phao tiêu báo hiệu để tàu thuyền lưu thông 24/24h. Sau khi hoàn thành, tàu thuyền có thể men theo một tuyến kênh dài 253 km từ mạn Tám Ngàn (Kiên Giang) qua vùng Tứ Giác Long Xuyên, xuyên vùng Đồng Tháp Mười về Thủ Thừa để lên TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Trong khi đó, ở phía Nam, hành lang đường thủy số 3 cũng vừa mới được khởi công nạo vét từ đầu tháng 12/2014. Việc nâng cấp các hành lang trên sẽ giúp cải thiện khả năng giao thông trên phạm vi vùng, làm giảm ách tắc giao thông trên các hành lang chính, giảm thiểu chi phí vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế tại các tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Lo ngại vướng mặt bằng

Theo Hiệp định ký kết vay vốn của Ngân hàng Thế giới, dự án WB5 sẽ kết thúc vào đầu năm 2016. Chính vì vậy, chủ đầu tư, BQL dự án, các nhà thầu hiện đang rất tích cực tăng cường nhân công, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. Tuy vậy khó khăn về nguồn vốn đối ứng cho công tác GPMB được xem là bước cản tiến độ chung.

Trong năm 2014, trong bối cảnh nguồn vốn Ngân sách Nhà nước dành cho GPMB còn hạn chế, BQL các dự án ĐTNĐ phía Nam đã chủ động, kịp thời làm tốt công tác Điều phối Dự án WB5. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn đối ứng. Qua các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT với các địa phương, dù ngân sách các tỉnh cũng khó khăn nhưng lãnh đạo các tỉnh vẫn cho phép tạm ứng vốn để GPMB thực hiện dự án. Chẳng hạn tỉnh Đồng Tháp cho tạm ứng 24,3 tỷ; Tiền Giang cho tạm ứng 86 tỷ; Long An cho tạm ứng 66 tỷ; Bạc Liêu cho tạm ứng 67 tỷ; và Sóc Trăng cũng cho tạm ứng 3,4 tỷ.

Tuy vậy đến nay công tác GPMB ở một số đoạn cũng còn nhiều khó khăn. Ở hành lang đường thủy số 2 hiện mặt bằng vẫn còn “căng” ở khu vực cầu Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Với hành lang đường thủy số 3 đi qua tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu vẫn còn nhiều hộ dân chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nguồn vốn đối ứng cho công tác GPMB cũng còn khó khăn.

Lãnh đạo BQL các dự án Đường thủy cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác GPMB. “Chúng tôi mong các địa phương tích cực hơn trong công tác GPMB để sớm bàn giao cho nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ”, lãnh đạo BQL các dự án Đường thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.