Bóng đá

World Cup 2022 tại Qatar: Lao động nhập cư đang bị bóc lột

01/04/2021, 06:30

Một tỷ lệ rất lớn những người lao động nhập cư đã chết ở Qatar kể từ thời điểm quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup...

img

95% công nhân xây dựng các công trình phục vụ World Cup 2022 tại Qatar là lao động nhập cư Ảnh: MEO

World Cup 2022 dự kiến thu về 3,2 tỷ bảng Anh trong khi lao động nhập cư tại các công trường phục vụ giải đấu lớn nhất thế giới chỉ nhận được đồng lương bèo bọt. Đó là chưa kể, số lao động tử vong thực tế vượt hơn 175 lần so với công bố của nhà chức trách.

Sự đối lập khó tin

Trong báo cáo tài chính năm 2021, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) dự toán doanh thu bao gồm tất cả các hoạt động trong năm 2022 sẽ đạt 3,4 tỷ bảng Anh. Trong đó, dự kiến World Cup 2022 sẽ giúp cơ quan điều hành bóng đá thế giới thu về khoảng hơn 3 tỷ bảng Anh.

Bản quyền phát sóng (1,9 tỷ bảng Anh) và tiếp thị (1 tỷ bảng) trở thành hai nguồn thu chính của giải đấu trên đất Qatar. Cạnh đó là nguồn thu từ bán vé.

Theo một quan chức FIFA, dù nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng những bản hợp đồng tài trợ, mua quyền phát sóng World Cup 2022 đã ký từ trước vẫn được các bên giữ nguyên giá trị. Cũng theo dự toán của FIFA, lợi nhuận tại World Cup 2022 dự kiến ​​sẽ trên 1,1 tỷ bảng Anh.

Những con số trên không hề bất ngờ bởi từ lâu World Cup vẫn được ví như con gà đẻ trứng vàng của tổ chức điều hành bóng đá thế giới. Tuy nhiên, trong khi FIFA đang nghĩ về khoản lợi nhuận kếch xù thì những người lao động đã và đang làm việc trên các công trường phục vụ World Cup 2022 lại đối diện với điều tồi tệ.

Tờ The Guardian dẫn lời Nick McGeehan, Giám đốc FairSquare Projects, một nhóm vận động chuyên về quyền lao động ở vùng Vịnh cho biết: “Một tỷ lệ rất lớn những người lao động nhập cư đã chết ở Qatar kể từ thời điểm quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup”.

Kể từ năm 2010, Qatar đã xây mới 7 sân vận động, 1 sân bay, đường sá, hệ thống giao thông công cộng, bao gồm tàu ​​điện ngầm, khách sạn và 1 thành phố mới. Khối lượng công việc khổng lồ buộc nhà chức trách ở quốc gia vùng Vịnh phải thuê một lượng lớn lao động nhập cư (chiếm 95%).

Theo FairSquare Projects, hơn 6,5 nghìn lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka được cho là đã thiệt mạng trên các đại công trường ở Qatar. Con số này được thống kê từ chính phủ của các nước có người lao động chết tại Qatar. Tuy nhiên, nhà chức trách Qatar lại công bố, chỉ có 37 công nhân tử vong, thấp hơn 175 lần con số thực tế.

Đáng nói hơn, lực lượng lao động nhập cư chỉ được trả lương hơn 8 bảng Anh/ngày, tối đa 200 bảng Anh/tháng. Thậm chí, một bộ phận còn bị chủ đầu tư nợ lương, rơi vào tình cảnh túng quẫn, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn.

Cá biệt, các công nhân xây dựng trên sân vận động Al Bayt trị giá 660 triệu bảng đã làm việc tới 7 tháng mà không được trả lương. Chính quyền Qatar đã biết về vụ lạm dụng này nhưng không có bất kỳ hành động nào.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi cơ quan điều hành bóng đá thế giới phải hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ người lao động, những người tới Qatar làm việc để gửi tiền về nuôi sống gia đình ở quê nhà. Tổ chức này còn viết thư cho FIFA để nhấn mạnh những lo ngại của họ. Đặc biệt, họ muốn FIFA tự giám sát các điều kiện của người lao động và không dựa vào Chính phủ Qatar.

Steve Cockburn, người đứng đầu bộ phận Công bằng kinh tế và xã hội tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng, công nhân nhập cư đang bị bóc lột ở Qatar. “FIFA phải hành động ngay bây giờ để đảm bảo rằng World Cup 2022 là một giải đấu đáng tự hào và không bị vấy bẩn bởi tình trạng lạm dụng lao động”.

FIFA cần hành động

Trước làn sóng phản đối của các tổ chức nhân quyền, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định: “Kể từ khi trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar, FIFA vẫn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Vận chuyển và Pháp lý, Tổ chức Lao động Quốc tế để mang lại những thay đổi tích cực. Và chúng tôi thực sự vui mừng khi thấy điều này đã trở thành tiến bộ lớn cụ thể trong lĩnh vực quyền của người lao động”.

Ông Infantino khẳng định thêm, FIFA dựa vào Chính phủ Qatar để giám sát quyền của người lao động. Trong khi đó, Mahmoud Qutub, Giám đốc điều hành phúc lợi của người lao động trong Ủy ban Vận chuyển và Pháp lý nhấn mạnh: “Chúng tôi được thúc đẩy bởi một cam kết đảm bảo những người xây dựng các sân vận động và địa điểm của chúng tôi được đối xử với sự tôn trọng và phẩm giá cao nhất. Những thay đổi về tiêu chuẩn cho người lao động trong các dự án của chúng tôi được đánh giá cao”.

Thực tế, kể từ năm 2017, Qatar đã thực hiện một số cải cách nhằm mang lại lợi ích cho người lao động nhập cư, tiêu biểu là việc loại bỏ hệ thống Kalafa - hệ thống ràng buộc người lao động với người sử dụng lao động của họ, nghĩa là họ không thể rời bỏ công việc của mình bất chấp việc bị lạm dụng.

Năm 2019, FIFA đã đưa ra một chiến lược, đặt ra các kế hoạch nhằm tối đa hóa sự đóng góp của World Cup 2022 cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại Qatar, bao gồm cả đời sống của người lao động nhập cư. Dù vậy, Tổ chức Ân xá Quốc tế và các nhóm nhân quyền cho rằng, những chính sách đã không được thực hiện triệt để, dẫn tới hàng ngàn công nhân nhập cư vẫn bị bóc lột.

Sau tất cả, May Romanos, nhà nghiên cứu vùng Vịnh tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với Dailymail: “FIFA và Qatar đều phải tăng cường nỗ lực thực thi luật pháp và đảm bảo tất cả người lao động ở quốc gia này phải được trả mức lương phù hợp hàng tháng”.

Tuyển thủ Hà Lan Georginio Wijnaldum mới đây đã lên tiếng về việc lao động nhập cư bị lạm dụng ở Qatar. “Tôi nghĩ rằng, nhiều người không nhận thức đầy đủ được tình hình ở Qatar. Con số người chết là 6,5 nghìn người, không thể tin nổi”.

Trong khi đó, đội tuyển quốc gia Na Uy đã phản đối tình hình nhân quyền của Qatar trước trận đấu với Gibraltar ở vòng loại World Cup 2022. Erling Haaland và các đồng đội khoác tay nhau hát quốc ca khi họ mặc áo phông trắng có dòng chữ đơn giản: “Nhân quyền - trong và ngoài sân cỏ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.