Đường bộ

Xe biển Lào Interbus Line chạy “chui” tuyến cố định đối mặt hình phạt nào?

28/05/2022, 06:00

Xe khách biển Lào Interbus Line chạy “chui” tuyến cố định đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật và Nghị định thư giữa Việt Nam - Lào.

Xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động

Liên quan đến những chiếc xe khách biển Lào của hãng xe Interbus Line chạy “chui” tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa như Báo Giao thông đã phản ánh trong loạt bài viết: “Xe biển Lào Interbus Line “núp bóng” xe hợp đồng chạy “chui” tuyến cố định” và Xe khách biển Lào Interbus Line: Hoán cải xe để chạy "chui" tuyến cố định?, ông Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề pháp lý.

img

Những chiếc xe khách biển Lào của hãng Interbus Line vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP có thể bị phạt đến 12 triệu đồng vì hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động

Cụ thể, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, tại Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào yêu cầu chung: Các phương tiện thương mại và phi thương mại đủ điều kiện theo quy định của Hiệp định và Nghị định thư này được phép hoạt động qua lại giữa Việt Nam và Lào qua các cặp cửa khẩu quy định tại Điều 30.

Phương tiện vận tải được tạm nhập - tái xuất vào mỗi Bên ký kết được phép lưu hành trong thời hạn 30 ngày và được phép gia hạn một lần với thời gian không quá 10 ngày trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan.

Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện gặp sự cố chịu trách nhiệm gia hạn. Việc tái xuất không phụ thuộc vào cửa khẩu tạm nhập.

Như vậy, Nghị định thư đã chỉ rõ, xe ô tô của hai nước được phép lưu trú trên lãnh thổ của nước bạn - "tạm nhập" với thời gian là 30 ngày và được phép gia hạn 1 lần với thời gian không quá 10 ngày trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan.

Mặt khác, thời hạn giấy phép liên vận cấp cho xe vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch cũng có thể theo thời gian chuyến đi hoặc thời gian của chuyến du lịch nhưng không vượt quá 30 ngày.

Vì vậy, hết thời hạn trên, các phương tiện này phải ra khỏi lãnh thổ nước bạn, hay nói cách khác là "tái xuất".

Theo quy định tại Nghị định 123/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định số 100/2019, hành vi lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định có thể bị phạt tiền đến 35 triệu đồng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.”

Đối với những sai phạm của xe khách biển Lào, Luật sư Bình cho rằng cần đặc biệt chú trọng kiểm tra và xử lý các hành vi như: Xe không có hoặc không gắn phù hiệu; Chạy sai hành trình, lịch trình vận tải; Đón, trả khách sai quy định; Tranh giành khách, thu tiền của khách sai quy định; Chở quá số người quy định; Xe ô tô kinh doanh vận tải khách mà không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định; Tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật của xe ô tô…

Bên cạnh đó có thể áp dụng những chế tài mạnh hơn như: Đình chỉ hoạt động doanh nghiệp; Xử phạt hành chính doanh nghiệp và lái xe hoạt động trái pháp luật; Truy thu thuế nhập khẩu phương tiện và số tiền thuế mà doanh nghiệp đã trốn thuế trong thời gian qua.

img

Chiếc xe khách biển Lào BKS UN 0680 có nhiều dấu hiệu đã hoán cải để chở "chui" khách du lịch

Phía Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, các phương tiện mang biển kiểm soát nước ngoài có thể hoạt động vận tải hành khách nhưng phải tuân thủ những thỏa thuận đã được các nước thống nhất và ký kết. Xe có thể ra vào các bến bãi, có thể thu vé và di chuyển trên các tuyến đường cố định.

Tuyến đường di chuyển của các phương tiện mang biển kiểm soát nước ngoài có thể thay đổi nhưng điểm đầu và điểm cuối thường sẽ là ở hai quốc gia khác nhau. Nếu xe mang biển nước ngoài đón trả khách trong địa phận của quốc gia khác thì là sai hoàn toàn. Chưa bàn đến yếu tố lưu trú.

Theo ông Quyền, những phương tiện mang biển kiểm soát nước ngoài nói chung và xe mang biển Lào của hãng Interbus Line nói riêng cho thấy sự cạnh tranh không bình đẳng, gây bất ổn thị trường vận tải.

"Trong khi các đơn vị kinh doanh khác phải đăng ký kinh doanh, phải kê khai doanh thu, phải nộp thuế, phải có hợp đồng và tuân thủ các quy định khác của pháp luật thì những xe mang biển nước ngoài hoạt động trái phép lại không tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, không tuân thủ nghĩa vụ về nộp thuế cho Nhà nước.

Điều này tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, xảy ra hỗn loạn trong thị trường và nguy cơ mất an toàn giao thông", ông Quyền nói đồng thời nhất mạnh: Để hạn chế tối đa tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng trong hoạt động vận tải hành khách cũng như các vấn đề về an toàn giao thông, lực lượng chức năng cần phải tiến hành tổng kiểm tra, ra quyết định đình chỉ hoạt động của những chiếc xe Interbus Line và xử lý nghiêm vi phạm đối với công ty vận hành những chiếc xe này.

img

Những chiếc xe khách biển Lào Interbus Line tại bãi xe tư nhân thị xã Sa Pa

Nhiều vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe biển Lào

Mới đây nhất, khoảng 21h tối ngày 23/4/2022, một chiếc xe tải mang BKS Lào, chở hàng lưu thông trên QL12A theo hướng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo về trung tâm huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Khi đến vị trí Ngã ba tượng đài thuộc bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, bất ngờ lao vào nhà người dân ở bên đường.

Hậu quả khiến 3 người chết, 1 người bị thương khiến không ít người bàng hoàng.

Năm 2021, ngày 11/5, chiếc xe tải biển Lào khác chở đầy gỗ củi lưu thông trên đường tránh Tây hướng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đi huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Đến vòng xoay đường Phạm Ngũ Lão - tránh Tây cũng bất ngờ mất lái tông vào xe ô tô 5 chỗ BKS 47A - 114.84 do một phụ nữ điều khiển, lưu thông từ đường tỉnh lộ 5 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn vào trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, khiến người này tử vong tại chỗ.

Trước đó, năm 2019, chiếc xe ôtô tải chở sắt vụn biển Lào BKS UN-8500 cũng gây ra vụ tai nạn thảm khốc với ôtô khách biển kiểm soát 27B-003.71 tại Hòa Bình làm 40 người bị thương.

Ngày 25/5, Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Thanh tra các Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai kiểm tra hoạt động của xe ô tô biển số nước ngoài vận tải hành khách trên địa bàn địa phương để phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Đồng thời yêu cầu Thanh tra các Sở GTVT: Hà Nội, Quảng Ninh và Thanh tra Sở GTVT – Xây dựng Lào Cai tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với hoạt động vận tải khách của Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên theo phản ánh của Hiệp hội vận tải Hà Nội. Báo cáo gửi về văn phòng Thanh tra Bộ GTVT trước ngày 20/6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.