Xã hội

Xe buýt Huế - Đà Nẵng "kêu cứu" vì xe trá hình

15/06/2020, 06:26

Tập thể 80 xã viên, nhà xe buýt tuyến liên tỉnh Huế - Đà Nẵng và ngược lại vừa có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo bộ, ngành chức năng, 2 địa phương.

img
Do bị xe hợp đồng trá hình “vợt” khách nên từ đầu năm đến nay, các xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng luôn trong tình trạng “đói” khách, dù cuối tuần hay ngày lễ, Tết (Chụp sáng 12/6 tại Bến xe phía Nam TP Huế). Ảnh: Duy Lợi

Các xã viên kêu cứu bởi thảm cảnh ế ẩm, thua lỗ, nguy cơ chết yểu. Nguyên nhân do nạn xe trá hình trên tuyến ngày càng hoạt động rầm rộ với hàng trăm đầu xe, dùng đủ chiêu trò lách luật, đối phó cơ quan chức năng…

Buýt liền kề ế khách

Chiều 14/6, chiếc xe buýt BKS 75B - 018.28 rời bến xe phía Nam TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với 3 khách/30 ghế. Ra khỏi thành phố, xe “vớt” được thêm vài khách nữa, nâng tổng số người trên xe gần chục người rồi trực chỉ hướng hầm Hải Vân về bến xe trung tâm Đà Nẵng.

“Từ đầu năm 2020, các tuyến cố định Đà Nẵng - Huế chuyển thành tuyến buýt liền kề nhưng ế khách lắm, vì không cạnh tranh nổi với xe trá hình lộng hành trên tuyến”, ông Võ Phi Cường, chủ xe BKS 75B - 018.28 ngán ngẩm.

Theo tìm hiểu, từ ngày 1/1/2020, tuyến vận tải hành khách cố định Đà Nẵng - Huế được chuyển thành các tuyến buýt liền kề với 80 đầu xe buýt đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các xe đều “đói” khách, dù ngày cao điểm cuối tuần hay ngày lễ. Chuyến xe giờ đẹp nhất cũng chỉ khoảng chục hành khách.

Ông Dũng, một chủ xe trên tuyến này cho biết, từ đầu năm đến nay chưa khi nào xe xuất bến mà được chục khách. May mắn lắm mới có 5 - 7 khách lên xe từ bến. “Giờ chạy xe buýt nên không tài xế nào dám rề rà hay dừng trước cổng chờ thêm khách vì sợ camera ghi hình phạt nguội”, ông Dũng nói.

Quá bức xúc bởi tình trạng xe trá hình lộng hành trên tuyến, mới đây, tập thể các chủ xe vận hành buýt liền kề Đà Nẵng - Huế có đơn cầu cứu gửi lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương liên quan về việc bùng phát xe trá hình hoạt động trái phép. Theo đại diện các nhà xe, chi phí mỗi chuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng ít nhất 1,5 triệu đồng. Giá vé suốt tuyến Huế - Đà Nẵng 70.000 đồng/khách, phải nộp các loại thuế, phí bến bãi 2 đầu bến… Còn xe trá hình trốn thuế và không chịu phí 2 đầu bến nhưng thu 120.000 đồng/người.

Cũng theo phản ánh, các xe trá hình chạy 4 - 6 lượt/ngày, “vét” hết khách vì thoải mái dừng đón, trả khách trong thành phố. Ước tính, trên tuyến hiện có không dưới 250 đầu xe trá hình hoạt động.

Ồ ạt cấp phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng không quản lý?

img
Lực lượng liên ngành Đà Nẵng kiểm tra, lập biên bản một trường hợp chạy xe hợp đồng vận chuyển khách trá hình tuyến Huế - Đà Nẵng

Thực tế, lâu nay tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại là điểm nóng xe trá hình. Mặc dù lực lượng chức năng các địa phương vào cuộc xử lý nhưng không xuể. Cánh tài xế xe trá hình nghĩ ra muôn chiêu đối phó với lực lượng chức năng như lập hợp đồng khống, khai chở người nhà, thay đổi hành trình...

Mới đây, chiều 11/6, Tổ TTKS thuộc Trạm CSGT Phú Lộc kiểm tra, phát hiện ô tô loại 7 chỗ BKS 75A - 164.86 (thuộc HTX Dịch vụ vận tải ô tô Tân Trường Phát) chở khách từ Huế vào Đà Nẵng trái quy định. Làm việc với tổ công tác, lái xe tên Cường xuất trình “hợp đồng” vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ TTKS làm rõ hành vi gom khách lẻ, hợp đồng không đúng quy định. Trước bằng chứng không thể chối cãi, tài xế ký biên bản vi phạm, bị tạm giữ GPLX, chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Hai năm trở lại đây, tình trạng xe trá hình càng hoạt động mạnh hơn, hàng loạt xe 7 chỗ được Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, “xe vận chuyển khách du lịch”. Với các phù hiệu được cấp, cánh tài xế xe trá hình ngang nhiên xác nhận đặt chỗ, bắt khách lẻ, thu tiền như tuyến cố định.

Theo tìm hiểu, trong năm 2019, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp gần 1.200 phù hiệu xe hợp đồng và gần 500 phù hiệu vận chuyển khách du lịch. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2020, Sở này đã cấp 304 phù hiệu xe hợp đồng và 66 phù hiệu xe vận chuyển khách du lịch.

Đại úy Trần Hải Dương, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhìn nhận, tình trạng xe trá hình trên tuyến Huế - Đà Nẵng ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng về số lượng. “Để ngăn chặn vấn nạn này cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cấp phép phù hiệu hợp đồng của ngành GTVT tỉnh. Ngoài việc xử lý trên tuyến, công tác hậu kiểm, thu hồi phù hiệu, thậm chí giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải biến tướng cần rốt ráo hơn”, Đại úy Dương nói.

Tại Đà Nẵng, từ khi tổ liên ngành gồm TTGT, CSGT, CSTT được khôi phục, lực lượng liên ngành đã kiểm tra, xử lý hơn 70 trường hợp xe khách hoạt động trá hình, tước hàng chục GPLX, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh TTGT Đà Nẵng cho biết, cần có quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết của các xe kinh doanh vận tải để cơ quan chức năng dễ phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, phải tăng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm để tránh việc nhờn luật, phạt xong lại vi phạm tiếp.

Mới đây, tại buổi tiếp công dân với đại diện tập thể 80 xã viên, nhà xe các đơn vị kinh doanh tuyến buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Công an tỉnh cùng Sở GTVT xây dựng kế hoạch, lập Ban liên lạc, trao đổi thông tin, giải pháp và đưa cả người của đội xe buýt Huế - Đà Nẵng cùng tham gia để có thông tin, giải pháp phù hợp, hiệu quả ngăn chặn vấn nạn xe trá hình chạy trên tuyến này.

“Việc xử lý xe “trá hình” để bảo vệ lợi ích chính đáng của đội xe buýt Huế - Đà Nẵng. Đây là việc phải làm. Chính họ đã theo chủ trương, chính sách Nhà nước trong việc quy hoạch, chuyển tuyến cố định thành tuyến xe buýt. Không ai được có khái niệm chống lưng, bảo kê cho xe trá hình”, ông Định nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.