Hạ tầng

Xem xét Vinpearl Air, Vietravel Airlines lập hãng hàng không

20/09/2019, 06:29

Hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp khi tham gia phải đáp ứng đúng, đủ các điều kiện theo yêu cầu...

img
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp về việc thành lập các hãng hàng không mới ngày 19/9

Hạ tầng có đáp ứng, nhân lực kỹ thuật cao, cụ thể là phi công, nhân viên kỹ thuật sẽ “lo” được đến đâu là 2 vấn đề được đặc biệt quan tâm trong buổi làm việc hôm qua (19/9) tại Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì về việc thành lập các hãng hàng không mới.

Băn khoăn chuyện hạ tầng, nhân lực kỹ thuật cao

Ủng hộ việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Airlines, tuy nhiên Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) Lê Thị Thu Hà đề nghị “rà soát lại năng lực đáp ứng của hạ tầng”.

Trong khi đó, đại diện các Vụ: Pháp chế, Tổ chức cán bộ đề nghị làm rõ phương án nhân lực sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra sự tranh giành quyết liệt nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không.

Cũng ủng hộ thành lập hãng hàng không mới, đại diện TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, việc Vietravel chọn Phú Bài hay Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Riêng đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, trong giai đoạn đầu, Vietravel chỉ khai thác 3 tàu bay nên nhu cầu về chỗ đỗ không nhiều. Sức ép về cơ sở hạ tầng, chỗ đỗ, sức ép bay đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất không phải là lớn. Khi Vietravel phát triển lên 6 tàu, hy vọng khi đó hạ tầng sẽ được cải thiện hơn. Hơn nữa, Vietravel lựa chọn chuyến bay charter vào những giờ không căng thẳng về slot thì vẫn khả thi.

Cho biết các hãng hàng không mới cũng đã rút được kinh nghiệm liên quan đến vấn đề nhân sự (phi công và thợ kỹ thuật) và có những chuẩn bị cho mình, ông Cường nêu, Vietravel đã đi trước một bước khi góp vốn vào trường cao đẳng quốc tế Kent - một trường đào tạo nhân lực cho hàng không, trước mắt là tiếp viên, sau này có cả thợ máy và phi công.

“Về tổng thể, dự án Vietravel là phù hợp với quy hoạch, với nhu cầu phát triển của thị trường, phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng hàng không và phù hợp với quy hoạch mạng đường bay”, ông Cường đánh giá.

Với Vinpearl Air, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng ủng hộ và cho rằng: “Không nghi ngờ gì khả năng của Vingroup trong việc tổ chức hãng hàng không”.

Cũng theo ông Thắng, kế hoạch đưa 5 - 6 tàu bay vào khai thác mỗi năm của Vinpearl Air là hết phù hợp. “Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được”, ông Thắng nói.

Về nhân lực, ông Thắng cũng khẳng định cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air rất nghiêm túc khi đặt vấn đề nhân sự lên đầu tiên với việc công bố mở trường đào tạo trước khi công bố lập hãng. Hiện tại, trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

Không cấp phép vượt quá năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách

Đối với những băn khoăn liên quan đến năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không, Phó cục trưởng Võ Huy Cường cho hay, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đảm bảo duy trì năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức cao nhất. Tuyệt đối không có chuyện cho tăng trưởng đội tàu bay vượt quá năng lực giám sát an toàn hàng không.

“Tăng đột biến thì không thể đáp ứng được nhưng tăng theo lộ trình, có thời gian cụ thể sẽ đáp ứng được”, ông Cường nói và cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi được biết các hãng hàng không đang khai thác cũng như chuẩn bị ra đời cũng đã có kế hoạch hỗ trợ cho cục về nhân lực giám sát viên an toàn.

Ngoài Vietjet và Vietnam Airlines đang hỗ trợ thì Vinpearl Air thông báo có thể hỗ trợ cho cục 5 người đủ năng lực, trong đó có người đã từng làm giám sát viên an toàn cho cục. Bamboo Airways cũng thông báo có 1 nhân sự đủ năng lực”.

Cũng theo ông Cường, trước mắt, từ nay đến năm 2023, Cục Hàng không VN vẫn đáp ứng yêu cầu về năng lực giám sát trên cơ sở các hãng tăng tàu bay phù hợp, tuần tự, vững chắc chứ không tăng một lúc vài chục chiếc.

Bổ sung thêm, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, nếu không đảm bảo được việc giám sát an toàn, sẽ không cấp phép cho hãng hàng không. Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện nay, theo cân đối kế hoạch vẫn sẽ đảm bảo được.

Trước đó, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, trong khi Việt Nam có 4 hãng hàng không thì hiện tại, Thái Lan có 16 hãng, Indonesia có 49 hãng. Mặc dù vậy, ông Thắng cũng nêu rõ: “Về luật pháp, không có gì cản các nhà đầu tư tư nhân đầu tư các hãng hàng không. Tuy nhiên, khi cái bánh đủ nuôi sống mọi người, số lượng đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh thì nên duy trì, không nên tăng quá nhiều. Thay vì có 50 hãng hàng không yếu, nên chăng ta chỉ có 10 hãng hàng không khỏe. Nếu không, năng lực cạnh tranh chung của ngành sẽ giảm sút rất lớn”.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines và Vinpearl Air. “Tất cả các doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Tuy nhiên, hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp khi tham gia sẽ phải đáp ứng đúng, đủ các điều kiện theo yêu cầu”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: Đã xây dựng dự án thì làm thế nào phải khả thi. Đã quyết định tham gia vào thị trường là phải chấp hành nghiêm các quy định.

4 bước quan trọng để hãng hàng không có thể cất cánh
Theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, hãng hàng không mới muốn bay được thì phải qua 4 bước.

Trước hết, theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp phải lập dự án, báo cáo Thủ tướng xin chủ trương đầu tư (ở bước này, Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu chính). Sau khi được sự đồng ý chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Cục Hàng không VN là cơ quan thẩm định).

Bước quan trọng thứ 3 là xin cấp chứng chỉ người khai thác tàu bay AOC (Cục Hàng không VN là cơ quan cấp. Có được cấp giấy phép quan trọng này, công ty hàng không mới được gọi là hãng hàng không. Việc có được cấp AOC hay không, cấp sớm hay muộn phụ thuộc vào năng lực của hãng hàng không. Trong giai đoạn này, hãng phải chứng minh cơ cấu tổ chức, tài liệu khai thác, năng lực của nhân viên, khả năng đảm bảo đội bay, đảm bảo an toàn khai thác. Cũng trong giai đoạn này, hãng sẽ phải tổ chức một số demo xử lý tình huống khẩn cấp như bão, khẩn nguy cứu nạn hành khách trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp…

Cấp chứng chỉ khai thác tàu bay (AOC) rồi cũng không có nghĩa là được bay. Mà sau khi có AOC, hãng sẽ làm đơn xin nhà chức trách cấp quyền bay, lịch bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.