Pháp luật

Xét xử Huyền Như ngày thứ 10: Vietinbank không chấp nhận bồi thường

26/12/2014, 14:16

Sáng 26/12, Tòa phúc thẩm nhân dân Tối cao TP HCM tiếp tục phần tranh luận vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Như trước vành móng ngựa
Huyền Như trước vành móng ngựa

Lấy lãi suất cao vượt trần là sai pháp luật!

Luật sư Nguyễn Thị Bắc (đoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng, trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt từ đầu. Khi thỏa thuận với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý ACB) về việc huy động tiền lãi suất cao, Như đồng ý ngay. Luật sư cho rằng, “thỏa thuận ngầm” này giữa Như và Ngọc là trái pháp luật.

Bên cạnh đó, luật sư còn cho rằng, 32 hợp đồng tiền gửi giữa các cá nhân ngân hàng ACB và ngân hàng Vietinbank (chi nhánh TP HCM) là cam kết giữa hai bên nhưng đã không được thực hiện và chỉ là hình thức che đậy hợp đồng thực (thỏa thuận ngầm) nhưng trái pháp luật và đã được thực hiện giữa ACB và Huỳnh Thị Huyền Như.

Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Bắc khẳng định, ngân hàng Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường số tài sản mà Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 đơn vị kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường.

Sáng nay, tiếp tục phần tranh luận, luật sư Nguyễn Văn Trung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng Vietibank phát biểu ý kiến liên quan đến yêu cầu kháng cáo của công ty Hưng Yên và ngân hàng Navibank.

Luật sư Trung chỉ rõ hành vi của ngân hàng Navibank thông qua các nhân viên của mình để lấy tiền đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank lấy lãi suất cao vượt trần là sai pháp luật.

Trích bút lục, luật sư chỉ cụ thể, ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã xác định vi phạm đối với Navibank: “Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi tại các chi nhánh của Vietinbank để lấy lãi suất 22%/năm đã vi phạm về điều kiện vay vốn quy định tại khoản 4 điều 7 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước”.

Đồng thời, luật sư nêu rõ, về hình thức giấy tờ là Navibank cho nhân viên vay tiền để gửi Vietinbank lấy lãi cao và chênh lệch ngoài hợp đồng, nhưng thực chất các nhân viên đã chỉ đứng tên hộ Navibank, họ hoàn toàn không tham gia giao dịch, không phải trả lãi tiền vay cũng không nhận được lãi tiền gửi. Hành vi này vi phạm về các quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng.

Vietinbank không bồi thường

Đối với công ty Hưng Yên, luật sư nêu, công ty Hưng Yên đã ký 8 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với chi nhánh Nhà Bè do Như làm giả, nhưng công ty Hưng Yên lại không chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại chi nhánh Nhà Bè mà lại chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh TP HCM theo yêu cầu của Như.

Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn ký với chi nhánh Nhà Bè quy định lãi suất 14%/năm, nhưng ngay sai khi ký 8 hợp đồng, tài khoản của công ty Hưng Yên tại ngân hàng MSB đã nhận được số tiền lãi vượt trần hơn 6 tỷ đồng do các cá nhân nộp theo yêu cầu của Như.

Do có thỏa thuận từ trước với Như nên công ty Hưng  Yên vui vẻ nhận số tiền này mà không thắc mắc vì sao mình nhận được số tiền từ trên trời rơi xuống.

Đến kỳ hạn thanh toán các hợp đồng tiền gửi, Như đã chỉ đạo cho các cá nhân nộp số tiền hơn 5 tỷ đồng vào chính tài khoản thanh toán của công ty Hưng Yên tại Vietinbank chi nhánh TP HCM, rồi lập lệnh chi giả chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của công ty Hưng Yên tại Vietinbank chuyển về tài khoản của công ty Hưng Yên tại ngân hàng MSB.

Công ty Hưng Yên nhận được hơn 5 tỷ của cá nhân “vô cớ” nộp vào tài khoản của công ty Hưng Yên tại Vietinbank cũng vui vẻ nhận, không thắc mắc gì. Rồi số tiền này được chuyển từ tài khoản của công ty Hưng Yên tại TP HCM về tài khoản tại ngân hàng MSB bằng các lệnh chi giả của Huyền Như. Công ty Hưng Yên vẫn vui vẻ nhận mà không hề thắc mắc tại sao lại có chuyện lạ như thế xảy ra?

Do đó, luật sư đã đề nghị HĐXX phúc thẩm quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của công ty Hưng Yên cũng như ngân hàng Navibank.

Linh Hoàng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.