Thị trường

“Xoay chuyển” tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

27/06/2022, 11:06

Để chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, DN phải là chủ thể thay đổi, nhưng cần chính sách xây dựng những tổ chức kinh tế dẫn dắt đủ lớn...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, cần tổ chức lại sản xuất, thị trường, các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy này.

Trước yêu cầu này, lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) nông nghiệp đã chia sẻ với Báo Giao thông những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ và sự khao khát “chuyển mình” cùng sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong tư duy “kinh tế nông nghiệp”.

Mong được bố trí quỹ đất

img

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood)- kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam​​​

Từ thực tế triển khai, chúng tôi thấy rõ, nếu chúng ta cứ đi bán cái ngọn - bán những sản phẩm bà con tự phát thì chúng ta thất bại.

Bởi nếu không có hệ thống, không có sự quản lý chặt chẽ, chúng ta luôn luôn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” và đó cũng là câu chuyện nhức nhối của một đất nước nông nghiệp, một “nỗi đau” mà những doanh nhân làm nông nghiệp luôn phải trăn trở.

Đáng ra, chúng ta phải đưa DN vào đồng hành cùng người nông dân, hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì; Chế biến ra sao, bao tiêu bao nhiêu diện tích; Sản xuất theo tiêu chuẩn gì, khi các nước xuất khẩu đều những tiêu chuẩn khác nhau.... và DN mới hội tự đủ những yếu tố để giúp nông dân đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Ví dụ như Vinanutrifood, chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con thay đổi tư duy trồng trọt. Theo đó, thay vì trồng vô cơ, chúng tôi hướng dẫn họ sang hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay cho phân hóa học.

Vinanutrifood cũng đã phải bỏ tiền bạc, công sức sang những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại bậc nhất như Hàn Quốc, Isarel, Hoa Kỳ... để học, để mua công nghệ chế biến hàng đầu nhằm cho ra các dòng sản phẩm dạng cao uống liền, siro, tán bột... Và chúng tôi đã thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua chế biến sâu và kết nối được những sản phẩm nông nghiệp thương hiệu Việt trong hệ thống chuỗi siêu thị Nutri Mart với tinh thần “Tự cường Việt Nam”.

Chúng tôi làm được, tại sao “bạn” chưa làm được?

Câu trả lời không chỉ nằm ở DN. Chúng tôi đã rất khổ sở để đi tìm quỹ đất, và tôi hiểu rõ doanh nghiệp chỉ cần duy nhất là cho cơ chế, quỹ đất. Mỗi tỉnh nên dành một quỹ đất cho DN và có cơ chế thu hút DN công nghệ cao, để tạo bàn đạp phát triển nông nghiệp chế biến.

Băn khoăn của tôi ở chỗ “thay vì mở thêm 10 ha hay 20 ha vùng trồng, tại sao chúng ta không cắt cho DN, để DN bao tiêu hàng nghìn ha vùng trồng”. Điều này còn tốt hơn việc trồng cây mà không có đầu ra, không định hình được tiềm năng và thị trường... Trong khi, DN rất nhanh nhạy khi bán hàng trên thế giới phẳng, luôn hướng đến mục tiêu “Phải bán những gì TG cần, chứ không phải bán những gì chúng ta có” – một điểm tiên quyết thành công của kinh tế nông nghiệp.

Tôi khẳng định, tiềm năng nông nghiệp của chúng ta rất lớn, và chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để dành lấy cơ hội này khi trên thế giới không có hàng, còn Việt Nam thì kêu cứu vì không thể xuất khẩu đi Trung Quốc.

Thời gian qua, rất nhiều DN nước ngoài bay về Việt Nam mong muốn chúng tôi tìm nguồn hàng xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng việc tìm kiếm không dễ dàng khi các vùng phần lớn đang manh mún, nhỏ lẻ, không đạt được tiêu chuẩn... Rõ ràng xung đột Nga - Ukraine là bước đệm để chúng ta có thể đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.

Tôi hy vọng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ lắng nghe được tiếng lòng của DN và cùng DN “chiến đấu” để thay đổi cục diện nền nông nghiệp nước nhà.

Phải xây dựng những tổ chức kinh tế dẫn dắt đủ lớn

img

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng để phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường.

Hiện, phần lớn DN làm kinh tế tuyến tính, tức là khai thác giá trị mục tiêu. Ví dụ, trồng ngô thì giá thị là thu hoạch ngô, lúa mục tiêu là gạo. Còn kinh tế tuần hoàn (KTTH) là bổ sung, hoàn thiện cho kinh tế tuyến tính.

Nghĩa là, phải nhận diện để khai thác đa giá trị. Muốn vậy, phải phân chia ra các nhiệm vụ và khai thác từng giá trị một, vừa khai thác vừa xử lý để đạt được các mục tiêu. Với nguyên tắc tái chế, tái sử dụng trong một chu trình sản phẩm, trong chuỗi giá trị, điều đó còn giúp xử lý môi trường…

Thực tế, việc phê duyệt bước đầu đã công nhận một mô hình mới để khuyến khích đổi mới sáng tạo, từ đó, tăng niềm tin và thu hút các tổ chức kinh tế hướng vào mô hình KTTH. Tuy nhiên, về mặt xã hội, theo tôi, phải cho nó một địa vị pháp lý, đó chính là đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của các thành phần liên quan. Chẳng hạn, nhà nước phải thực hiện ra sao. Ưu tiên cái gì, có chính sách riêng cho các mô hình dẫn dắt như thế nào?..

Vì sao như vậy? Vì hiện nay, sản xuất tuần hoàn phát triển trên các nền tảng của khoa học và công nghệ hiện đại, tạo nên giá trị cao. Chính vì vậy, muốn thực hiện được KTTH phải hình thành nên các tổ chức kinh tế cơ sở và trên nền tảng khoa học công nghệ. Và phải có những tổ chức kinh tế dẫn dắt đủ lớn, đủ mạnh như hợp tác xã, doanh nghiệp đầu đàn…; vừa dẫn dắt, vừa thực hiện được nhiệm vụ mà cá nhân không làm được, nông hộ không làm được để thực hiện việc vừa sản xuất và thương mại, từ đó mới lan tỏa được sức mạnh.

Một điểm mấu chốt của KTTH trong tư duy kinh tế nông nghiệp chính là sự linh hoạt. Việc liên kết giữa các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoa học phải linh hoạt, nhằm đưa đến giá trị kinh tế và xã hội.

Ví dụ, ở trang trại chăn nuôi của T&T 159, có các hoạt động như thu gom nguyên liệu làm thức ăn; Lấy phế phụ phẩm nông nghiệp khác để làm đệm lót chuồng nuôi và công đoạn lấy phụ phẩm lót làm phân bón hữu cơ… Đây mới chỉ là sản xuất tuần hoàn tại một trang trại. Sau đó, tổ chức tốt sự liên kết để tìm đầu ra, để tạo nên chuỗi giá trị trong các mô hình sản xuất tuần hoàn mới giải quyết được bài toán an sinh, kinh tế chia sẻ…lúc đó mới hình thành KTTH.

Doanh nghiệp phải là chủ thể thay đổi

img

Ông Hà Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tài Anh (Gỗ Tài Anh)

Ông Hà Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tài Anh (Gỗ Tài Anh)

Để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi DN phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường, họ không chỉ đơn thuần là nhà sản xuất mà họ phải đóng nhiều vai để làm sao đưa sản phẩm của mình ra thị trường, làm sao để sản phẩm của mình cạnh tranh nhất.

Theo tôi, mô hình thương mại điện tử và chuyển đổi số hiện nay rất hiệu quả, các DN cần tích cực học hỏi, ứng dụng nhiều hơn nữa. Không những giúp DN tăng doanh số mà còn giúp DN có thế khám phá được xu hướng người tiêu dùng, từ đó có những đổi mới trong sản phẩm.

Bản thân DN chúng tôi hoạt động đa lĩnh vực như sản xuất đồ gỗ, xuất khẩu, thương mại, tổng thầu xây dựng, logistics, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản… Chúng tôi tăng trưởng kim nghạch xuất khẩu ở các thị trường như Châu Âu, Á, Phi, Mỹ… năm sau luôn cao hơn năm trước, một phần nhờ ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số nhiều năm nay.

Ngoài ra, để phát triển, đầu tiên chúng tôi luôn luôn chiêu mộ và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân lực sâu về chuyên môn, yêu nghề, sáng tạo…. Phương châm của Tài Anh đang làm là liên tục đổi mới, xác định xây dựng thương hiệu Tài Anh bền vững trên thị trường trong nước và quốc tế bằng chất lượng và dịch vụ bán hàng hậu mãi, với thông điệp đồng hành với khách hàng và luôn đổi mới cùng thị trường những vẫn giữ được “chất” riêng.

Ngoài am hiểu thị trường để thích ứng với yêu cầu đổi mới, chúng tôi còn ứng dụng mô hình KTTH, để tiết kiệm, giảm thiểu chi phí sản xuất và thân thiện môi trường. Và mô hình kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ cũng mang lại hiệu quả không nhỏ cho chúng tôi, khi không những mang lợi nhuận cho chính DN mình, mà còn cho cả đối tác và hộ nông dân. Chúng tôi cùng nhau quản trị để xây dựng thương hiệu bền vững, lợi nhuận cũng cải thiện được rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.