Xã hội

Xử lý 12 dự án thua lỗ: Thay người không làm, làm không xong

05/07/2017, 18:53

Việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, những người liên quan phải xắn tay vào làm, không làm thì thay thế.

vương đình huệ

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Chiều 5/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tổng mức đầu tư 12 dự án thua lỗ là 63 nghìn tỷ đồng, khoảng 3 tỷ USD, trong đó có tới 3/4 là vốn vay.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ có nhiều, song theo Phó thủ tướng, vẫn chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

“12 dự án có “bệnh” chung giống nhau là khi lập, phê duyệt dự án thì rất nhanh, nhưng khi tổ chức thực hiện lại rất trì trệ, vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn đến điều chỉnh tổng mức đầu tư. “Bệnh” chung thứ hai của 12 dự án là khi lập phương án, thông số đầu vào rất khả quan, nhưng đầu ra lại kém, chi phí đầu vào cao, đầu ra thấp”, Phó Thủ tướng nói.

Các dự án này đang được phân làm hai nhóm: nhóm thứ nhất vẫn đang hoạt động bình thường, nhóm thứ hai không có chuyển biến gì.

Nhấn mạnh phương hướng xử lý các dự án, nhà máy trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu bám sát Kết luận của Bộ Chính trị nhằm đạt hai mục tiêu: sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước theo lộ trình hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án (kể cả bán được Nhà máy Bột giấy Phương Nam), hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này. Đồng thời xử lý nghiêm minh các vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại các dự án, nhà máy trên.

Về quan điểm thực hiện, Phó Thủ tướng khẳng định: “Kiên quyết xử lý theo thị trường cơ chế với 2 điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy. Kiên quyết xử lý sớm các vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản,...”.

“Giá trị của các dự án này tương ứng với 3 tỷ USD, nay đang bị “chôn vùi”, không đóng góp được cho nền kinh tế nên cần phải được khơi thông càng nhanh càng tốt. Vẫn có hướng đi cho các dự án nếu chúng ta bắt tay vào việc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty liên quan phải xắn tay vào việc. “Ai không làm và làm không xong thì phải thay thế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.