Đường sắt

Xử lý hàng triệu lít chất thải sửa đầu máy thế nào?

27/08/2021, 06:02

Ngành Đường sắt quy định chặt chẽ công tác xử lý chất thải nguy hại khi sửa chữa đầu máy, toa xe, đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường.

Quy trình chặt chẽ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, dù khu vực bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy rất rộng, sử dụng nhiều dầu nhớt, nhưng vệ sinh công nghiệp luôn được đảm bảo.

img

Dù khu vực bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy rất rộng, sử dụng nhiều dầu nhớt, nhưng vệ sinh công nghiệp luôn được đảm bảo

Nhà xưởng thông thoáng, các vật dụng như giẻ lau, thùng nhiên liệu được để gọn gàng.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, đơn vị thực hiện nhiệm vụ khai thác đầu máy kéo tàu cũng như bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy nên sử dụng hàng triệu lít nhiên liệu, dầu mỡ mỗi năm.

Dầu nhiên liệu đã tiêu hao trong quá trình đầu máy vận dụng kéo tàu. Còn dầu bôi trơn sau một thời gian đầu máy chạy, sẽ hết hạn sử dụng, có cặn nên phải thay dầu mới.

Các loại dầu thải này sẽ được xử lý theo quy trình của Bộ KH&CN. Ngoài ra, còn có các loại giẻ dầu (giẻ lau chùi dầu mỡ trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy) và các rác thải nguy hại khác, sẽ được gom vào nơi quy định. Xí nghiệp hợp đồng với một đơn vị được cấp phép vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại thực hiện để đảm bảo môi trường.

“Đối với việc xử lý nước thải, tại các xưởng sửa chữa đều có các hố ga để khi sửa chữa, phun rửa thiết bị, đầu máy, dầu thải sẽ theo đường dẫn trôi xuống. Sau đó lại bơm đến hệ thống xử lý nước thải, với hệ thống lọc, hóa chất xử lý theo quy định, đảm bảo chất lượng nước đạt được các chỉ số theo quy định mới được xả ra môi trường qua hệ thống thoát nước”, ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, cơ quan quản lý, giám sát về môi trường sẽ đo, kiểm định hệ thống và kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý nên xí nghiệp buộc phải tuân thủ nghiêm các quy định.

Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ông Đỗ Trọng Lừng, Giám đốc Công ty CP Xe lửa Gia Lâm cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng nhà máy được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm.

Trong đó, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp được xây dựng hoàn thiện, bao gồm cả mạng lưới kênh thu gom, dẫn nước, trạm bơm…

Mỗi năm 4 lần đơn vị thực hiện quan trắc môi trường, kiểm soát chất lượng nước thải và các chỉ số môi trường đều đảm bảo.

“Hiện công việc chủ yếu của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là đóng mới, sửa chữa toa xe. Đối với lĩnh vực sản xuất này, chất thải nguy hại từ dầu mỡ rất ít, chỉ có giẻ dầu; ngoài ra còn có thùng sơn, nhà máy cũng quy định khu vực riêng để gom lại”, ông Lừng nói.

Dù rác thải, chất thải này không nhiều nhưng công ty quy định rất chặt chẽ trong thu gom, xử lý. Tại các phân xưởng, sau mỗi ca, ngày sản xuất đều có nhân viên vệ sinh thu dọn các rác thải này để vào nơi quy định và có đơn vị chuyên nghiệp thu gom, mang đi xử lý. Khu vực gom chất thải nguy hại chờ xử lý cũng phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, bao chứa...

Chi hàng tỷ đồng xử lý, đảm bảo môi trường

img

Đóng mới toa xe tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Tổng công ty đã có quy định rất chặt chẽ về công tác đảm bảo môi trường.

Không chỉ tập trung như xử lý rác thải trên tàu khách, khuyến khích sử dụng các vật dụng, bao bì thân thiện với môi trường, hạn chế đồ nhựa trong phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga, Tổng công ty còn chú trọng xử lý chất thải ở tất cả các lĩnh vực, từ vận tải, đến bảo trì hạ tầng, từ đóng mới, sửa chữa đầu máy, toa xe đến khai thác đá.

“Hàng năm, chúng tôi chi hàng tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường. Riêng năm 2020 đã chi khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn tự có, không phụ thuộc nguồn ngân sách”, bà Quỳnh cho biết.

Tuy nhiên, bà Quỳnh cho hay, do đặc thù sản xuất, các đơn vị đầu máy là khối sử dụng nhiều dầu mỡ nhất nên Tổng công ty đã quy định cụ thể quy trình, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xử lý chất thải, rác thải nguy hại.

Theo đó, cuối mỗi ca làm việc, chất thải nguy hại phải được phân loại khi đưa vào khu vực lưu giữ tạm thời. Chất thải nguy hại thể lỏng rơi vãi như dầu, mỡ phải được lau dọn ngay.

Nếu số lượng rò rỉ lớn phải sử dụng vật liệu hấp thụ dầu như cát khô, mùn cưa... và thu gom về khu vực nhà lưu giữ tạm thời của xí nghiệp để tiến hành chuyển giao, xử lý.

Trong quá trình vệ sinh làm sạch đầu máy và vệ sinh nền nhà xưởng đều có giải pháp tiết kiệm nước để hạn chế tối đa phát sinh nước thải lẫn dầu thải chưa được thu gom về các hố ga thoát nước, trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu chung như: Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ; có biện pháp hạn chế gió trực tiếp vào bên trong. Mặt sàn trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hại bảo đảm kín khít, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.

Theo quy định của ngành Đường sắt, tại khu vực để chất thải nguy hại dạng lỏng như dầu thải đều được bố trí hố thu dầu thải, mặt sàn phải tạo dốc về phía hố thu; định kỳ kiểm tra và thu gom lượng dầu thải rơi vãi, chảy về hố thu. Đồng thời phải đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.