Chuyện dọc đường

Xử lý tham ô: Cô giáo đi tù, cán bộ chỉ bị cảnh cáo?

29/08/2019, 17:18

Một cô giáo ở Gia Lai bị tuyên phạt 7 năm tù vì tham ô hơn 26 triệu đồng, còn cán bộ huyện chiếm đoạt 524 triệu đồng chỉ mới bị cảnh cáo...?

img
Vụ cán bộ chiếm đoạt 524 triệu đồng ở UBND huyện Đức Cơ chỉ bị kỷ luật đang gây xôn xao dư luận

1. Tháng 5/2019, Toà án nhân dân TX. Ayun Pa (Gia Lai) tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hằng Nga (SN 1976, trú tại TX. Ayun Pa) 7 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bị cáo Nga bị đưa ra xét xử về tội danh trên vì đã chiếm đoạt số tiền 26.123.500 đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh trường Mầm non Tuổi Thơ, xã Chư Băl. Bị hại là nhà trường và hàng chục học sinh, phụ huynh lớp lá của ngôi trường trên.

Theo cáo trạng, năm học 2016 – 2017, UBND TX Ayun Pa đã quyết định bổ sung kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 3 đến 5 tuổi trên địa bàn. Mỗi học sinh được hưởng 120.000đ/ tháng.

Trong quá trình nhà trường nhận số tiền hỗ trợ giúp học sinh, bị cáo Nga đã 2 lần thực hiện hành vi tham ô tài sản bằng cách lập danh sách, giả chữ ký, điểm chỉ của phụ huynh để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 26 triệu đồng.

Năm 2018, cơ quan điều tra đã phát hiện dấu hiệu tham ô và khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản. Quá trình xét xử, bị cáo Nga không đồng ý với tội danh và khẳng định không chiếm đoạt số tiền hỗ trợ ăn trưa của các học sinh.

Tuy nhiên, với những chứng cứ của vụ án, Toà án nhân dân TX Ayun Pa đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hằng Nga 7 năm tù giam và bồi thường trên 26 triệu đồng để nhà trường thực hiện việc cấp phát tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh.

Tài liệu để thực hiện rút tiền trong vụ việc là một Quyết định giả. Tuy nhiên, số tiền 524 triệu đồng được rút từ năm 2012 đến năm 2017 đều được UBND huyện Đức Cơ chuyển nguồn kinh phí tạm ứng ngân sách huyện của năm trước sang năm sau.

Nhiều năm liên tiếp, UBND huyện Đức Cơ không phát hiện ra việc tồn tại một Quyết định giả mạo. Và vì sao kinh phí 524 triệu đồng được liên tục chuyển nguồn?

Ai đã đứng đằng sau việc chuyển nguồn kinh phí trên từ năm 2012 - năm 2017?

2. Những ngày gần đây, tại Gia Lai có một vụ việc rất được người dân quan tâm. Tháng 7/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ từ năm 2012

Thanh tra phát hiện ngày 11/1/2012, ông Nguyễn Hồng Lam, khi đó là trưởng phòng tài chính-kế hoạch đã ký lệnh chi số tiền 524 triệu đồng để Kho bạc Nhà nước huyện giải ngân. Ông Nguyễn Đông Dương (thủ quỹ của phòng) là người rút tiền mặt về giao cho ông Nguyễn Xuân Tứ, khi đó là phó phòng Tài chính - kế hoạch huyện (hiện là chánh văn phòng HĐND-UBND huyện). Ông Tứ chiếm dụng, chi tiêu cá nhân.

Số tiền 524 triệu đồng được rút từ năm 2012 đến năm 2017 đều được UBND huyện Đức Cơ chuyển nguồn kinh phí tạm ứng ngân sách huyện của năm trước sang năm sau.

Năm 2018, ông Lam lên giữ chức vụ chủ tịch huyện Đức Cơ đã ký quyết định xuất ngân sách cấp bổ sung cho phòng LĐ-TB-XH số tiền trên để hoàn ứng.

Thanh tra tỉnh cũng phát hiện ông Nguyễn Hồng Lam, khi làm trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện đã cố ý làm trái quy định, ký lệnh chi tiền và giấy lĩnh tiền mặt sai quy định để cấp dưới lợi dụng lấy tiền ngân sách sử dụng mục đích cá nhân. Khi lấy tiền về không nhập quỹ nhưng ông Lam vẫn không có ý kiến chỉ đạo mà để nhân viên chiếm dụng.

Đáng nói, trong vụ việc trên thanh tra đã phát hiện nhóm cán bộ làm giả văn bản, quyết định giả mạo, ghép chữ ký của lãnh đạo huyện, sử dụng con dấu không đúng thời điểm. Qua làm việc với ông Nguyễn Xuân Tứ, Chánh VP HĐND - UBND huyện Đức Cơ, ông này thừa nhận là người làm giả quyết định trên, sau đó nhờ một số cán bộ ký nháy và sao chữ ký của lãnh đạo huyện thời điểm năm 2012 để dán lên rồi đóng dấu đỏ của UBND huyện vào.

3. Liên quan đến vụ việc trên, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với hình thức “cảnh cáo”.

Ông Lam bị kỷ luật với lý do: Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để cán bộ thuộc phạm vi quản lý vi phạm các quy định về quản lý tài chính; ký quyết định ngân sách không đúng quy định.

Trước khi thi hành kỷ luật về mặt chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cũng đã thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm theo hình thức “cảnh cáo” đối với ông Nguyễn Hồng Lam.

Qua tìm hiểu của Báo Giao thông, ngày 19/6, ông Nguyễn Xuân Tứ đã đem số tiền 524 triệu đồng sau 9 năm chiếm đoạt nộp trả lại ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai.

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Tạ Quang Tòng- Chủ nhiệm đoàn Luật sư Đắk Lắk nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, nếu không chuyển sang cơ quan điều tra thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. “Ở đây dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước, dấu hiệu tội tham ô là khá rõ ràng”, luật sư nêu quan điểm.

Qua vụ việc cô giáo chiếm đoạt 26 triệu đồng tiền ăn cho học sinh ở TX Ayun Pa bị đi tù còn cán bộ huyện chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng từ việc xây dựng nghĩa trang huyện Đức Cơ chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, dư luận đặt câu hỏi rất lớn về cách xử lý của lãnh đạo tỉnh Gia Lai với các hành vi tham ô, trục lợi tiền ngân sách. Từ khi phát hiện đến nay đã 2 tháng nhưng tỉnh Gia Lai vẫn chưa chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý.

Đáng nói, vụ việc xảy ra trong bối cảnh lãnh đạo Đảng, Chính phủ liên tục kêu gọi chống tham nhũng, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.