Văn hóa - Giải Trí

Xu thế phim ngoại phụ đề, lồng tiếng lên ngôi

28/12/2016, 16:05
image

Đầu những năm 2000, phim chiếu rạp bùng nổ. Thuyết minh ở các cụm rạp được thay thế bằng phụ đề.

vet-duoi-dai-2

Ảnh minh họa.

Lồng tiếng, thuyết minh hay phụ đề, đâu mới là cầu nối tốt nhất đưa khán giả Việt vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với phim ảnh quốc tế?

Gió đổi chiều

Cuối thập niên 90, các đài T.Ư khai thác mạnh phim nước ngoài, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia. Hình thức thuyết minh đơn giọng dần lên ngôi. Thời kỳ này có hàng loạt tên tuổi thuyết minh với chất giọng đặc trưng như: Nguyễn Ngọc Thạch (Bao Thanh Thiên), Thu Hiền (Tây Du Ký), Minh Khuê (Trái tim mùa thu)…

Đầu những năm 2000, phim chiếu rạp bùng nổ. Thuyết minh ở các cụm rạp được thay thế bằng phụ đề. Thử nghiệm lồng tiếng phim rạp ở Việt Nam đầu tiên là Findding Nemo (2003) thất bại thảm hại. Thế nhưng, sản phẩm sau đó, Rio (2011) thành công rực rỡ đã bắt đầu đưa trào lưu lồng tiếng phim rạp trở lại. Internet phổ cập, mở ra nguồn cung cấp phim lậu vô tận cho đông đảo người dùng và phụ đề tiếp tục phát triển.

Xem thêm video:

Thuyết minh phát song song tiếng dịch và tiếng gốc, đảm bảo truyền tải đủ nội dung câu chữ. Thậm chí, với những trường hợp đặc biệt như Nguyễn Ngọc Thạch, tiếng dịch còn tái hiện được cả khí chất của bản gốc. Song, nó đi kèm với các yếu điểm tiếng Việt chèn ép tiếng gốc, đôi khi phát không khớp khẩu hình, chỉ có một giọng trong cảnh đám đông và giữa các vai khác nhau. Tuy nhiên, việc xuất hiện đơn vị lồng tiếng như FAFILM, Vân Sơn có cả ê-kíp đa dạng về giới tính, độ tuổi, từ đó lồng tiếng khắc phục được yếu điểm trên.

Ở các nền điện ảnh lớn như Hollywood, lời thoại, chất giọng là một phần tài năng của nghệ sĩ. Giọng Anh sexy của Benerdict Cumberbatch, giọng khàn trầm của Liam Nelson, giọng truyền cảm già dặn của Morgan Freeman, rồi những nhân vật có giọng đặc trưng như Joker (Heath Ledger) trong phim The Dark Knight hoặc vị vua nói lắp của Colin Firt trong King’s Speech, người lồng tiếng, thuyết minh khó lòng tái hiện cảm xúc, cá tính của nhân vật một cách trọn vẹn.

Diễn viên lồng tiếng Mộng Vân từng chia sẻ: “Không ai muốn lồng tiếng để phim kém đi, nhưng một khi bản thân phim đã không hay thì dù cố gắng đến đâu, diễn viên lồng tiếng cũng không thể làm phim hay lên được”. Nghĩa là lồng tiếng chỉ có thể tác động vào phim theo chiều hướng cân bằng hoặc đi xuống.

Phim phụ đề, lồng tiếng phát triển

Phim có phụ đề tưởng chừng trở thành lựa chọn tối ưu để trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm. Song, hình thức này chỉ phù hợp với một bộ phận khán giả thanh, thiếu niên, có ngoại ngữ, khả năng bắt hình ảnh tốt. Khán giả lớn tuổi hoặc quá nhỏ tuổi luôn gặp khó khăn trong việc bắt kịp nội dung phim và lời dịch.

Chị Mỹ Loan, dịch giả truyền hình K+ cho biết: “Khi sử dụng phụ đề, người ta thường cố gắng đưa lên một cách ngắn gọn và độ dừng hình lâu để khán giả kịp đọc. Thế nên, đôi khi một câu của phụ đề không truyền tải đủ ý bằng một câu thuyết minh. Có những câu tiếng Anh, tiếng Pháp mà người dịch phải cô đọng lại ý để vừa cho người xem đọc, còn thuyết minh lại có thể thoải mái đẩy nhanh hoặc giảm tốc độ đọc tùy ý để khớp với tiếng nền của phim”.

Theo chị Loan, thuyết minh và phụ đề vẫn được duy trì và phát triển chủ yếu phục vụ khán giả truyền hình miền Bắc. Còn lồng tiếng lại có vị thế lớn hơn ở khu vực miền Nam. Xu thế hiện tại với riêng truyền hình K+, là ưu tiên phát triển thuyết minh và phụ đề song song, tới 90% phim nước ngoài sẽ đi theo hướng này, còn lại một số nhỏ là phim chỉ phụ đề hoặc thuyết minh.

Tại hệ thống các rạp chiếu, đầu tư lồng tiếng được đẩy mạnh đặc biệt là các phim hoạt hình cho trẻ em. Năm 2011, mới chỉ có 4 phim chiếu rạp lồng tiếng, đến năm 2015 đã tăng lên 37 phim. Ông Trịnh Thành Thịnh, đại diện CGV lý giải: “Chúng tôi không xem việc lồng tiếng là một ý tưởng mới lạ. Nó bắt nguồn từ nhu cầu thưởng thức trọn vẹn và hiểu sâu hơn câu chuyện điện ảnh mà người xem không bị áp lực đọc chữ, nhất là với khán giả nhí và lớn tuổi”.

Đúng như ông Thịnh nhận định, tỉ suất xem phim lồng tiếng tỉ lệ thuận với số phim lồng tiếng, từ 38% năm 2011 lên 65% năm 2015. Riêng phim phụ đề phổ biến nhất ở đối tượng khán giả trẻ, khi tải hoặc xem phim online qua các site. Các nhóm làm phụ đề phát triển mạnh về số lượng và trong nhiều trường hợp cập nhật phim (chủ yếu là truyền hình) còn nhanh hơn các đài T.Ư.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.