Hàng hải

Bùn từ nạo vét luồng Định An sẽ được xử lý thế nào?

13/12/2023, 18:26

Ngày 13/12, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) khảo sát luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Tại buổi khảo sát, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đã phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức lập đề cương, dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, dự kiến tháng 12/2023 sẽ phê duyệt.

Nạo vét luồng Định An thu chủ yếu là bùn - Ảnh 1.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sản phẩm thu từ nạo vét luồng Định An chủ yếu là bùn.

Cũng trong tháng 12/2023, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Tháng 1/2024 sẽ thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

"Hiện nay, Bộ GTVT đã giao cho một số đơn vị nghiên cứu và khảo sát việc nạo vét luồng. Theo tính toán sơ bộ, mức đầu tư cho dự án này khá lớn", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết thêm.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đặt vấn đề: "Sản phẩm nạo vét luồng này có cát hay không? Có thể sử dụng sản phẩm thu hồi này phục vụ cho các công trình xây dựng không?".

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, qua các tài liệu thu thập, cũng như khảo sát sơ bộ cho thấy tổng khối lượng nạo vét luồng khoảng 134 triệu m3 và chủ yếu là bùn.

Nạo vét luồng Định An thu chủ yếu là bùn - Ảnh 2.

Cửa biển Định An.

"Bùn này vẫn có thể xử lý lại và dùng san lấp. Tuy nhiên, việc xử lý lại đối với sản phẩm này cũng sẽ mất một khoản chi phí lớn. Trường hợp nếu tính phương án mang bùn này nhận chìm ra biển thì phải thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, việc này cũng sẽ mất một khoảng thời gian", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thông tin thêm.

Luồng Định An - Cần Thơ (qua cửa Định An thuộc tỉnh Trà Vinh) có chiều dài hơn 121km, được chia làm hai đoạn. Trong đó, đoạn trong sông dài khoảng 91km, độ sâu từ âm 7m đến âm 10m cho tàu có tải trọng từ 10.000-20.000 DWT.

Tuy nhiên, đoạn ngoài cửa biển Định An, (từ phao số 0 đến phao 14) có chiều dài khoảng 30km, độ sâu âm chỉ khoảng âm 4m, do đó, chỉ cho phép tàu có tải trọng từ 3.000-5.000 DWT ra vào.

Từ năm 1991 đến nay, hằng năm, Bộ GTVT đều triển khai nạo vét duy tu đoạn ngoài, tuy nhiên chỉ duy trì được 1-2 tháng sau đó bị bồi lấp lại đến độ sâu tự nhiên.

Trên cơ sở kiến nghị của thành phố Cần Thơ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 45 thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố. Trong đó, có nội dung nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu 10.000 DWT trở lên ra vào.

Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết: "Qua khảo sát ngày hôm nay, chúng tôi cũng đã nắm tình hình thực tế. Đoàn sẽ tiếp tục có đề xuất với Bộ GTVT có khảo sát toàn tuyến có liên quan.

Trên cơ sở đó tham mưu Thủ tướng Chính phủ có cơ chế thu hút nhà đầu tư tập trung cho việc nạo vét, thông luồng vì đây là nhu cầu cần thiết của cử tri cũng như mong muốn của Đảng bộ và chính quyền thành phố là khơi thông luồng Định An để tàu 20.000 tấn có thể vào các cảng trên tuyến, đặc biệt là cảng Cái Cui".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.