Hạ tầng

Cát biển được thí điểm đắp nền đường thế nào?

25/07/2023, 07:11

Gần 6.000m3 cát biển đang được thí điểm đắp nền đường tại Bạc Liêu thay cho cát sông ngày càng khan hiếm.

Mang cát Trà Vinh về Bạc Liêu thí điểm

img

Đoạn thi công thử nghiệm đắp cát biển hiện nay là đường hoàn trả đường tỉnh 978, có chiều dài khoảng 300m.

Liên quan đến việc nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển phục vụ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, trên cơ sở đề cương chi tiết triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm được Bộ GTVT chấp thuận, ban đã triển khai các công việc tiếp theo như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán thi công thí điểm. Đồng thời, tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công và nghiên cứu đánh giá thí điểm.

Cụ thể, nhà thầu thi công gồm Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thuộc Liên danh nhà thầu Gói thầu XL1. Tư vấn giám sát thi công là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI (thuộc Liên danh tư vấn giám sát thi công Gói thầu XL1).

Tư vấn kiểm định, đánh giá chất lượng môi trường và lập báo cáo đánh giá tổng kết nghiên cứu thi công thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường là Viện Khoa học và công nghệ GTVT. Tư vấn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường là Viện Chiến lược và phát triển GTVT.

Theo ghi nhận của PV, vị trí được lựa chọn thi công thử nghiệm đắp cát biển hiện nay là đường hoàn trả đường tỉnh 978, với chiều dài của đường khoảng 300m thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đây là vị trí đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về vị trí thí điểm là vị trí nhạy cảm về môi trường, có thể đảm bảo thông xe sau khi thi công.

Theo thiết kế kỹ thuật, mặt đường hai làn xe (4m/làn), nền đường rộng 9m. Chiều dày kết cấu áo đường là 45cm, chiều dày lớp cát 50cm…

Việc triển khai thi công tại hiện trường bắt đầu từ ngày 24/3/2023. Khối lượng cát biển sử dụng vào khoảng 5.800m3.

Tín hiệu khả quan

img

Đoạn thí điểm cát biển giao với đường đường tỉnh 978 qua địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến nay đã thi công hoàn thành và đang theo dõi chờ lún.

Ban đầu, Ban QLDA Mỹ Thuận dự kiến lấy nguồn cát biển ở Sóc Trăng để thi công thí điểm. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng không chấp thuận và yêu cầu phải chờ đến khi Bộ TN&MT hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” mà Bộ TN&MT đang lấy ý kiến.

Trước tình hình trên, Ban QLDA Mỹ Thuận đã tiến hành so sánh chỉ tiêu cơ lý của cát biển tại Trà Vinh và Sóc Trăng.

Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định và có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau.

Để đảm bảo tiến độ, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với trữ lượng 1.050.000m3 để phục vụ thi công thí điểm.

Đoạn tổ chức thi công đắp cát biển có chiều dài 300m, gồm 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với 3 mái dốc ta luy nền đường khác nhau. Đến nay đã thi công láng nhựa một nửa phía cuối tuyến của đường tỉnh 978 hoàn trả (240m), hoàn thành ngày 13/7/2023.

Riêng một nửa phía đầu tuyến của đường tỉnh 978 hoàn trả đã xong ngày 20/7/2023 để đưa vào sử dụng và tiếp tục quan trắc theo nhiệm vụ quan trắc định kỳ theo đề cương.

Theo ghi nhận, hiện tại, đoạn đường thí điểm đã thi công hoàn thành, mặt đường được láng nhựa chắc chắn, phương tiện xe máy, xe tải và xe container có thể lưu thông bình thường.

Hai bên dọc đoạn đường thi công thử nghiệm đắp cát biển trên đường hoàn trả được đơn vị thi công làm hàng cừ tràm chạy, lót tấm bạt và be đất dọc chạy lề đường như một bức tường bao. Xung quanh người dân vẫn nuôi tôm bình thường, nguồn nước ao tôm xung quanh chưa phát hiện thay đổi màu, cây cỏ xanh tốt không có dấu hiệu chết khô…

Kết thúc quan trắc cuối năm 2023

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đoạn thí điểm cát biển đang trong thời gian chờ theo dõi các thông số kỹ thuật. Kinh phí thực hiện hơn 8,5 tỷ đồng.

“Quá trình thi công các công đoạn thí điểm cát biển đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam đoạn thành phần Hậu Giang - Cà Mau cũng tương tự như cát sông, không có gì khác biệt nhiều”, ông Tuân nói và cho biết, khó khăn nhất ở đây là khâu vận chuyển khó khăn hơn ở sông, phải dùng tàu lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn.

“Các chỉ tiêu cơ lý đều đáp ứng theo yêu cầu, về vấn đề tác động môi trường, độ mặn vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Đến nay, chưa phát sinh gì thêm, đang trong tầm kiểm soát”, ông Tuân cho hay.

Ban QLDA Mỹ Thuận đã cho thực hiện phân tích 8 mẫu nước mặt (một mẫu nước sông gần vị trí thi công, hai mẫu tại khu vực ruộng lúa; bốn mẫu tại khu vực các vuông tôm và một mẫu nước xả ra từ bãi tập kết cát bơm từ xà lan lên trước khi vận chuyển đi đắp) thí nghiệm các chỉ tiêu pH, tổng chất rắn lơ lửng, clorua, độ mặn.

Kết quả phân tích các thông số quan trắc độ mặn và clorua phụ thuộc và có sự tương đồng với nguồn nước sông. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt.

Kết quả quan trắc môi trường tại các vị trí quan trắc cho thấy, chưa có biểu hiện rõ ràng việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định mọi việc thi công thí điểm cát biển không xảy ra vấn đề gì lớn”, ông Tuân thông tin.

Ông Tuân cũng cho biết thêm, dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ kết thúc công tác quan trắc, theo dõi lún và tác động môi trường.

Thời điểm kết thúc chính thức sẽ phụ thuộc vào kết quả quan trắc, kết quả đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia và hội đồng đánh giá của Bộ GTVT chấp thuận.

Khi đó, sẽ có các thông số về tình trạng kết cấu đường như đo lún, chuyển vị ngang và đo độ sâu mực nước ngầm theo thời gian để đánh giá độ ổn định của nền mặt đường đắp cát biển.

Đồng thời, khi đó cũng có các tham số môi trường gồm nước mặt, nước ngầm, đất, lấy mẫu và phân tích số liệu sau khi thi công hay trong quá trình khai thác để đánh giá ảnh hưởng đến môi trường theo thời gian.

“Đến nay, trong đề cương chỉ có thí điểm đoạn 300m đường hoàn trả đường tỉnh 978 qua huyện Hồng Dân, còn việc có mở rộng sử dụng cát biển đắp nền đường hay không thì chưa có kế hoạch. Sau khi có kết quả, các chuyên gia đánh giá cụ thể và cho ý kiến có nên ứng dụng hay không thì mới tính tiếp”, ông Tuân nói.

Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho biết, đến nay đoạn thí điểm (đường tỉnh 978 tại lý trình Km 79+820 dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau) đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98.

Theo đánh giá bước đầu, mẫu cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm đảm bảo các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hòa tan và chỉ số sức chịu tải.

Việc sử dụng cát biển đắp nền đường cũng không có tác động lớn về chất lượng môi trường xung quanh, độ mặn của nước mặt và nước ngầm trước và sau khi thi công chưa thể hiện rõ ràng. Tuy vậy, công tác thí điểm vẫn cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu. Kết quả đánh giá tổng quan sẽ được đưa ra vào cuối năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.