Thời sự Quốc tế

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc TikTok thoái vốn hoặc rút khỏi Mỹ

14/03/2024, 08:56

Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép công ty mẹ tại Trung Quốc của TikTok là tập đoàn ByteDance có thời hạn 6 tháng để thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng tại Mỹ hoặc đối mặt khả năng bị cấm.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật, Thượng viện chưa chắc chắn

Theo hãng tin Reuters, dự luật được các hạ nghị sĩ Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ diễn ra một tuần sau khi dự luật được đề xuất.

Tuy nhiên, khi được trình lên Thượng viện, số phận của dự luật vẫn chưa chắc chắn vì một số nghị sĩ mong muốn có cách tiếp cận khác trong việc quản lý các ứng dụng thuộc sở hữu của nước ngoài, có tiềm ẩn nguy cơ về an ninh.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc TikTok thoái vốn hoặc rút khỏi Mỹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về phản ứng của TikTok, công ty này cho rằng dự luật này thực chất là lệnh cấm ứng dụng hoạt động tại Mỹ. 

“Chúng tôi hy vọng rằng Thượng viện Mỹ sẽ xem xét tất cả bằng chứng thực tế, cân nhắc ảnh hưởng của dự luật đối với nền kinh tế Mỹ, tới 7 triệu doanh nghiệp nhỏ và 170 triệu công dân Mỹ sử dụng dịch vụ của TikTok” - một đại diện TikTok chia sẻ. 

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi có kế hoạch thăm Quốc hội Mỹ vào ngày 13/3 và sẽ trao đổi với các Thượng nghị sĩ Mỹ.

Trước khi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ diễn ra, TikTok lo ngại: “Dự luật sẽ dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok tại Mỹ. Chính phủ Mỹ đang tìm cách tước bỏ quyền được tự do nêu quan điểm của 170 triệu người dân Mỹ vốn đã được quy định rõ trong hiến pháp”.

Về phía Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông khẳng định sẽ ký ban hành thành luật nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua.

Theo quan điểm của Nhà Trắng, mục tiêu đề xuất và thông qua dự luật là nhằm chấm dứt quyền sở hữu của Trung Quốc đối với TikTok chứ không phải nhằm cấm ứng dụng tại Mỹ.

“Liệu chúng ta có muốn TikTok thuộc sở hữu của một công ty Mỹ hay Trung Quốc? Liệu chúng ta có muốn dữ liệu từ TikTok, bao gồm dữ liệu của trẻ em, người trưởng thành tại Mỹ vẫn được lưu trữ bên trong nước Mỹ hay được truyền về Trung Quốc”, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói.

Số phận của TikTok đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm trên chính trường Mỹ trong đó nhiều người lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ đối với Trung Quốc.

Song với người dùng trẻ, vị thành niên, đây lại là ứng dụng rất được yêu thích. Các nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi từ người dùng TikTok thuộc lứa tuổi vị thành viên thể hiện phản đối việc thông qua dự luật.

Tương lai ứng dụng TikTok tại Mỹ

Theo hãng tin Reuters, hiện chưa rõ tập đoàn ByteDance sẽ chấp thuận thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng hay không.

Trong trường hợp dự luật được ban hành và nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng tại Mỹ trong vòng 6 tháng, các kho ứng dụng của Apple, Alphabet’s Google và những nhà cung cấp khác sẽ không được phép cung cấp ứng dụng TikTok. Các công ty công nghệ cũng không được hợp tác về dịch vụ lưu trữ Web cho các ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance.

Theo Reuters, việc ép buộc công ty mẹ của TikTok thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng tại Mỹ chắc chắn sẽ đối mặt nhiều thách thức về pháp lý bởi TikTok có quyền nộp đơn kháng nghị trong vòng 165 ngày sau khi Tổng thống Mỹ ký ban hành thành luật.

Trước đó, năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tìm cách cấm TikTok và ứng dụng WeChat của Trung Quốc nhưng đề xuất này đã bị chặn tại các tòa án tại Mỹ hồi tháng 11/2023.

Trong đó, một thẩm phán Mỹ đã chặn lệnh cấm sử dụng TikTok của chính quyền bang Montana sau khi công ty đệ đơn kiện.

Về phản ứng của Trung Quốc, trước khi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ diễn ra, Bắc Kinh đã lên tiếng cho rằng đây là hành vi “bắt nạt” và lệnh cấm TikTok chắc chắn sẽ kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đối với Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.