Xã hội

Khánh Hòa: Suối Lách tan hoang vì khai thác, tập kết cát trái phép

29/09/2023, 12:59

Suối Lách dưới chân núi Hòn Rồng, đoạn giáp ranh giữa xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) và xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tan hoang vì khai thác, tập kết cát trái phép.

Vô tư "moi ruột" Suối Lách, tập kết cát trái phép

Những ngày cuối tháng 8, trung tuần tháng 9/2023, có mặt tại khu vực Suối Lách trên địa bàn xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) và xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm), đập vào mắt PV là cảnh tượng ngổn ngang hiện trường khai thác cát. 

Trên diện tích nhiều héc ta, những hố sâu in hằn vết răng gàu máy múc, mặt đất nham nhở, còn trơ lại những hòn đá mồ côi.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 1.

Ba xe tải vào lấy cát tại điểm giáp ranh giữa xã Cam Thành Nam và Cam An Nam.

Lòng suối khô cạn màu bạc phếch. Dọc suối, lác đác còn có một vài lán cũ để phục vụ việc khai thác cát, sàng cát bằng sắt được vứt chỏng chơ.

Người dân địa phương thông tin, tưởng gì chứ khai thác cát lâu nay diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng mấy ai không biết. Lúc cao điểm, các đối tượng khai thác cát cả ngày lẫn đêm.

Chỉ tay về con suối, nhiều hộ dân cho hay, địa hình ở đây bị biến dạng, khoét sâu 10-20m so với nền đất cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất của người dân.

"Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng sau khi đẩy đuổi, tình trạng khai thác cát vẫn còn tiếp diễn", một người dân thông tin nhưng xin giấu tên vì sợ bị trả thù.

Dọc bờ suối ở làng dân tộc Raglai (thôn Quảng Phú, xã Cam Thành Nam), những lán trại cũ vẫn còn, nhiều bãi cát cũ đến giờ vẫn chưa vận chuyển hết. Cuối dòng suối, một bãi cát lớn được tập kết ở đây, một chiếc máy xúc bánh xích công suất lớn nằm yên vị.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 2.

Nhiều ngày sau có mặt tại điểm giáp ranh trên, PV vẫn chứng kiến cảnh cát ở đây được tập kết và vận chuyển vào buổi sáng.

Chị Cao Thị H, người dân ở thôn Quảng Phúc cho biết, ở cạnh suối Lách, những năm trước, tình trạng khai thác cát rầm rộ, nhiều người sắm xe tải, máy múc để làm cát. Vì thế nhiều nhà trữ cát để bán. 

Đặc biệt, tại đoạn suối giáp ranh giữa thôn Quảng Phúc (xã Cam Thành Nam) và thôn Vĩnh Đông (xã Cam An Nam), cạnh bờ suối này, một bãi tập kết cát được xây bờ kè chiếm ngang cả dòng suối. Bên trên một lán bằng tôn và một chiếc máy múc sơn xanh luôn túc trực nơi đây để xúc cát.

Thực tế nhiều thời điểm các ngày: 22/8, 25/8… 27/9, PV ghi nhận tại bãi cát này, các xe tải vào ra chở cát BKS: 79H-015-41, 79H-014.94, 79H-011.22, 79H-016.93 thường xuyên vào ra "ăn hàng". Dễ thấy dấu hiệu chở có ngọn, rơi vãi, nghi quá tải và hàng loạt câu hỏi pháp lý về nguồn gốc cát, bãi tập kết khoáng sản vẫn còn bỏ ngỏ...

Sau khi múc đầy cát chở có ngọn, những xe tải này chạy theo đường vào nhà máy sản xuất phân bón ra đường Nguyễn Công Trứ, rồi chạy về đổ cho một bãi tập kết ở thôn Quảng Phúc.

Mọi việc cứ thế diễn ra công nhiên nhưng không hề bị các lực lượng TTKS, địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Tương tự tại khu vực sau nhà máy điện mặt trời Chung Võ - Mạnh Lê (giáp ranh giữa 2 xã trên), một số xe tải, máy múc cũng được huy động vào đây để đào bới cát vận chuyển ra ngoài.

Địa phương đổ qua địa bàn khác vì "vùng giáp ranh"?

Theo một người dân làm rẫy ở cù lao Quảng Phúc (xin giấu tên), tình trạng khai thác cát diễn ra nhiều năm nay, do một người tên S đứng ra chủ trì.

"Cát được đưa từ dưới suối lên vào cả ban đêm. Sáng sớm, họ dùng máy múc lên xe vận chuyển ra đưa về bãi tập kết ở xóm Quảng Phúc rồi bán đi nhiều nơi. Người dân thấy nhưng không dám phản ánh. Hoạt động này diễn ra công khai nhưng chưa thấy ai bị xử lý", người này nói.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 3.

Xe tải no hàng băng trên đường từ nhà máy sản xuất phân bón về xã Cam Thành Nam.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam khẳng định, khu vực khai thác cát trên thuộc địa phận xã Cam An Nam, không phải địa bàn xã quản lý.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Hữu Công, Chủ tịch xã Cam An Nam lại cho rằng, khu vực đang khai thác là của xã Cam Thành Nam, không phải thuộc thôn Vĩnh Xuân.

"Tình trạng khai thác cát trên địa bàn xã không còn nữa. Trước đây, xã đã làm rất quyết liệt, nhiều người đã phải bán máy múc, xe tải để chuyển sang nghề khác. Hiện, trên sân Ủy ban xã còn hai chiếc máy múc thu giữ của những người khai thác cát, nay đang làm thủ tục để thanh lý", ông Công khẳng định.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 4.

Xe chở cát khai thác chui, chở có ngọn.

Trong khi đó, ông Trương Văn Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm tỏ ra bất ngờ. Ông Hiến cho biết, nếu đúng có tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Cam An Nam như PV phản ánh sẽ kiểm tra và đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Ông Hiến cũng cho biết thêm, trong năm 2023, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra tình hình quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Riêng đối với xã Cam An Nam, địa phương cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm các hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn, xử phạt một trường hợp với số tiền hai triệu đồng và tịch thu một máy đào.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa khẳng định, khu vực giáp ranh xã Cam Thành Nam và xã Cam An Nam không có vị trí nào được cấp phép khai thác khoáng sản như thông tin phản ánh. Mọi hoạt động khai thác cát ở đây đều trái quy định.

Xem thêm một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận về tình trạng tập kết, vận chuyển cát ở Suối Lách (ảnh chụp nhiều thời điểm các ngày 22/8, 25/8… 27/9):

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 5.

Xe 79H-011.22 trên đường chở cát ra khỏi bãi tập kết.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 6.

Xe tải vào ra lấy cát nhưng không gặp bất cứ trở ngại nào từ chính quyền địa phương.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 7.

Máy múc được bố trí túc trực hàng ngày chờ xúc cát lên xe tải.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 8.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 9.

Những xe tải liên tục ra vào lấy cát trên bờ suối khiến nhiều người dân địa phương ngán ngẩm.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 10.

Bãi tập kết cát được xây dựng bờ kè lấn dòng nhưng không bị ngăn chặn.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 11.

Bãi tập kết cát bên Suối Lách đầu khu vực làng dân tộc Raglai (xã Cam Thành Nam).

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 12.

Máy múc bố trí chờ xe tải vào lấy hàng.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 13.

Bãi tập kết cát giữa lòng khe nhìn từ trên cao.

                Nhuộm nhoạm “moi ruột” Suối Lách - Ảnh 14.

Trải qua quá trình khai thác, dòng Suối Lách tan hoang như bị bom rải thảm.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.