An ninh hình sự

Thượng tá công an chia sẻ kỹ năng phòng, chống tội phạm bắt cóc trẻ em

16/08/2023, 16:04

Phụ huynh cần dạy cho trẻ không được nói chuyện hay đi theo người lạ, khuyên trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa.

>>> Lời kể nhân chứng và hành trình truy tìm kẻ bắt cóc bé trai tại Hà Nội

Bình tĩnh phối hợp với cơ quan chức năng

Liên quan đến vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi, đòi chuộc 15 tỷ đồng xảy ra tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), sau hơn 10 giờ gây án, nghi phạm Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê tại thôn Hòa Thịnh, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị bắt giữ, cháu bé đã được giải cứu an toàn.

Theo chia sẻ của anh C (bố của cháu bé), khi nhận được tin con bị bắt cóc, dù lo lắng cho an nguy của con, nhưng anh vẫn cố giữ bình tĩnh, động viên vợ phải vững vàng tâm lý, tập trung vào phối hợp với lực lượng chức năng trong việc giải cứu con.

img

Xe ô tô mà nghi can Nguyễn Đức Trung sử dụng khi gây án.

Đồng thời với việc thu gom tiền và đi theo lộ trình kẻ bắt cóc yêu cầu, gia đình anh C đã trình báo công an. Sau đó, kiểm tra camera giám sát an ninh nhà mình và hàng xóm, nơi diễn ra vụ việc để có tài liệu cung cấp cho lực lượng chức năng.

Kẻ bắt cóc yêu cầu chỉ một mình mẹ cháu bé lái xe, không có người thứ hai, đặc biệt không được phép có đàn ông, nên anh C đã động viên vợ bình tĩnh, đủ bản lĩnh để xử lý mọi việc theo sự trợ giúp của lực lượng chức năng.

Trong quá trình đối tượng di chuyển, người mẹ cầu xin tên bắt cóc cho con được ăn uống. Nghi phạm mua bánh mì nhưng cháu bé không dám ăn bởi sợ bánh mì tẩm thuốc độc. Khi khát nước, bé trai xin kẻ bắt cóc uống nước nhưng hắn không đồng ý.

"Tôi hỏi con tại sao không ăn bánh mì lại dám uống nước, con nói con nhìn thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được", anh C kể.

Tới TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, mẹ cháu bé đã đưa được túi tiền cho kẻ bắt cóc và cháu bé được giải cứu an toàn. Bên trong túi tiền này có thiết bị định vị để lực lượng chức năng theo dõi, từ đó bắt được nghi phạm.

Qua diễn biến vụ án và hành trình giải cứu cháu bé an toàn, thượng tá Đào Trung Hiếu (tiến sỹ nghiên cứu về tội phạm học) phân tích thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Tội phạm có thể sử dụng hàng loạt chiêu thức tinh vi, trong đó có việc gây án khi phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng nhưng ở vị trí cách xa người lớn.

Với những vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản mà nghi can chuẩn bị âm mưu, kế hoạch từ trước, thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh trước khi gây án, đối tượng thường xác định mục tiêu, nhằm vào các gia đình có điều kiện về kinh tế.

Sau khi bắt cóc, chiếm đoạt được trẻ, chúng bố trí nơi giam giữ rồi tính toán biện pháp liên lạc với gia đình nạn nhân để đưa yêu sách về tiền, tài sản.

Làm gì để trẻ ứng phó hiệu quả với kẻ bắt cóc?

Cũng theo tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm này, cha mẹ cần nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất; tạo ấn tượng cho trẻ rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

img

Khu vực nghi can bắt cóc bé trai trong khu đô thị.

Phụ huynh cũng cần phải nói với trẻ biết những người lạ có thể tin tưởng, gồm: Thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục, giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến); dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà... Song cần dặn dò trẻ giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với người thân quen.

Tiếp theo, cần khuyến cáo con em không được nói chuyện hay đi theo người lạ; dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê; dạy cho trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi bằng cách huấn luyện để trẻ biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.

Trung tá Đào Trung Hiếu còn khuyến cáo khi con em vào độ tuổi tiểu học hay trung học và bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, phụ huynh có thể khuyên trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

"Hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề. Chúng trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ; gây hoang mang, sợ hãi, đau khổ trong gia đình nạn nhân, xâm hại tài sản của gia đình nạn nhân", thượng tá Hiếu nhìn nhận.

Ông còn đặc biệt lưu ý, các vụ bắt cóc trẻ còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của bị hại; gây hoang mang, rúng động dư luận, tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.