Xã hội

Tổng thanh tra: Nghiên cứu cơ chế để cán bộ không thể tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sẽ xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, để cán bộ không thể tham nhũng.


Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày các báo cáo công tác, nêu rõ những kết quả đã đạt được và những tồn tại, bất cập, giải pháp thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội: Đảm bảo cán bộ có thu nhập khá để giảm tham nhũng - Ảnh 1.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) phát biểu thảo luận.

Liên quan tới giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, ngoài các giải pháp như báo cáo của Chính phủ nêu, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) góp ý cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.

Bà Linh cho rằng, lương và phụ cấp là những khoản thu nhập chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chính sách lương, phụ cấp còn nhiều bộc lộ, bất cập.

"Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, làm sao để cho họ sống được bằng lương, thu nhập tương đương với mức khá trong toàn xã hội", đại biểu nêu.

Bà Linh cũng cho rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại.

Vì thế, cần có cơ chế để phát huy vai trò cũng như gắn trách nhiệm cụ thể hơn nữa đối với người đứng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội: Đảm bảo cán bộ có thu nhập khá để giảm tham nhũng - Ảnh 3.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.


Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành luật.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách, pháp luật, khắc phục những bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết, vẫn còn có sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các đại biểu, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, hướng tới mục tiêu làm sao để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.

Đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm phòng chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng làm nhiệm vụ này.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, nhất là trong việc công khai minh bạch; kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, kiểm soát tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.