Xã hội

TP.HCM: Cấm xe giường nằm vào nội đô nhằm trị xe dù bến cóc

25/05/2023, 20:40

Để dẹp nạn xe dù bến cóc, việc cấm xe giường nằm vào nội đô là giải pháp tối ưu cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng.

Cấm xe giường nằm vào nội đô là giải pháp trị xe dù, bến cóc

Thông tin này được ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch vào chiều 25/5.

Ông Hải cho rằng, để dẹp nạn xe dù bến cóc, việc cấm xe giường nằm vào nội đô thành phố cần cả sự quyết tâm của lực lượng chức năng như công an và thanh tra giao thông.

Theo ông Hải, cuối năm 2022, TP.HCM thiết lập hạn chế xe giường nằm vào nội đô để giảm tối đa ùn tắc và tai nạn giao thông.

img

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM.

Từ ngày 10/1, Sở GTVT TP.HCM thiết lập vành đai hạn chế xe giường nằm từ 6h đến 22h hằng ngày, giới hạn bởi các tuyến đường: Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1. Xe giường nằm vẫn được lưu thông không hạn chế theo hành lang ra vào hai bến xe Miền Đông và Miền Tây.

Sau hơn 4 tháng triển khai, tình hình đã ổn định hơn nhưng phát sinh tình trạng xe giường nằm dừng đón, trả khách trên tuyến hành lang, xe dù bến cóc gần vành đai.

Một số đề xuất kiến nghị cấm 24/24h, Sở đã có kế hoạch xin ý kiến trình UBND TP và dự kiến có quyết định sau ngày 30/5.

Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc hạn chế xe giường nằm 24/24h là một trong các giải pháp xử lý xe dù, bến cóc. Các cơ quan liên ngành vào cuộc cần siết chặt kỷ cương, xử lý vi phạm, tuyên truyền doanh nghiệp vận tải tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải. Như vậy sẽ giải quyết tình trạng xe dù bến cóc ở TP.HCM.

Một số thuốc hiếm thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng

Liên quan đến việc liên tiếp những vụ ngộ độc botulinum xảy ra tại TP.HCM nhưng không có thuốc giải dự trữ, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là một vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.

img

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM.

Bà Như cho hay, các loại thuốc hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. Để giải quyết bài toán này, Sở Y tế TP.HCM đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Trước đó, tối 24/5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ khẩn cấp được gửi từ kho tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM, phân bổ cho Bệnh viện Chợ Rẫy 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định 1 lọ, 3 lọ còn đưa về Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trong tuần qua, TP.HCM đã xảy ra chùm ca bệnh ngộ độc botulinum với 6 người mắc tại TP Thủ Đức, trong đó có 3 trẻ em. Một trong 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum (ăn một loại mắm để lâu ngày) đang điều trị đã tử vong tối 24/5 khi chưa được sử dụng thuốc.

Trong 5 bệnh nhân còn lại (ăn bánh mì, chả lụa) có 3 bệnh nhân nghi ngộ độc botulinum là trẻ em đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2, trong đó có 2 trẻ bị nặng đang thở máy; 2 bệnh nhân là người lớn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã quá thời gian chỉ định sử dụng thuốc giải độc, cả 2 đang thở máy, cơ thể bị liệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.