Pháp đình

Vì sao cựu Chủ tịch Bình Thuận được đề nghị mức án dưới khung hình phạt?

12/05/2023, 10:46

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Hai 5 - 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát".

Ngày 12/5, tại phiên xét xử ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 11 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) đã giữ quyền công tố.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận 5 - 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

img

Các bị cáo tại phiên xét xử

Cùng tội danh trên, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hải, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường) cùng mức án 4 - 5 năm tù. 7 bị cáo khác bị đề nghị từ 18 tháng tù đến 36 tháng tù giam.

Trước đó, cựu Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị Viện KSND tối cao truy tố về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Phong, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận 24 - 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo VKS, những sai phạm của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng, để lại dư luận xấu và ảnh hưởng đến tính chặt chẽ của quy định quản lý đất đai của Nhà nước. Việc đưa các bị cáo nguyên là cựu cán bộ, lãnh đạo địa phương ra xét xử thể hiện tính răn đe của pháp luật, không có vùng cấm.

VKS cũng đánh giá các bị cáo có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Thuận, phạm tội không tư lợi. Do đó, cơ quan công tố kiến nghị HĐXX cân nhắc xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Trước đó, là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận mong muốn thu hồi thiệt hại để nộp ngân sách. Ngoài ra, mong muốn HĐXX khoan hồng cho các bị cáo. Bởi, việc các bị cáo làm vì mục đích chung, không có động cơ vụ lợi.

"Khu đất này là bãi tha ma (nghĩa địa) nên về góc độ tâm linh thì các nhà đầu tư không quan tâm. Hơn nữa, áp lực thu ngân sách tỉnh rất lớn nên các bị cáo làm vì mục đích chung. Ngoài ra, các bị cáo đều là cán bộ lãnh đạo tỉnh nhiều năm, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của địa phương", đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho hay.

Cũng tại phiên xét xử, đại diện Công ty CP Tân Việt Phát không ý kiến gì về con số thiệt hại 45 tỷ đồng đã được cơ quan định giá xác định. Đồng thời, đã đề xuất mong muốn khắc phục thiệt hại.

Về việc Tân Việt Phát đề nghị tỉnh Bình Thuận giao đất theo hình thức không thông qua đấu giá thì người đại diện cho hay: "Việc đấu giá có khó khăn do khu vực này là nghĩa địa. Năm 2017, Tân Việt Phát đề nghị tỉnh giao đất theo hình thức không qua đấu giá, chứ không đề cập về giá giao đất".

Cáo trạng xác định, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai biết rõ quy định pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng vẫn ban hành chủ trương giao khu đất hơn 92.000m2 đất thuộc quỹ đất hai bên đường 706B cho Công ty Tân Việt Phát vào năm 2017 với giá năm 2013, hơn 111 tỉ đồng.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, Công ty Tân Việt Phát thực hiện dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại khu đất trên.

Tân Việt Phát phân thành 500 lô đất và được tỉnh cấp 500 sổ đỏ rồi phối hợp với Công ty Danh Khôi (tại TP.HCM) ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn với 475 lô đất. Tân Việt Phát đã thu 50% số tiền bán đất, tổng 499 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.