Xã hội

Xúc động chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”

30/10/2023, 07:31

Tối 29/10, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), Báo Nhân dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2023).

Xúc động chương trình nghệ thuật: “Truông Bồn – Dấu chân anh hùng” - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc độc đạo có chiều dài 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nơi đây có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất. Tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, Mỹ đã trút xuống nơi này gần 2.700 quả bom các loại. Giữa cận kề cái chết, hàng vạn con người nơi đây vẫn bám cầu bám đường, sống và chiến đấu. Trong cuộc chiến sinh tử ấy, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: Chúng ta có mặt ở đây để làm sáng lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng lên chủ nghĩa yêu nước đã làm cho dân tộc ta trở nên bất diệt.

Truông Bồn là biểu tượng sáng ngời của tinh thần Xô viết, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Xúc động chương trình nghệ thuật: “Truông Bồn – Dấu chân anh hùng” - Ảnh 2.

Màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng máy bay không người lái xếp hình ngôi sao.

“Tưởng nhớ các liệt sỹ Truông Bồn, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nước, thêm một lần chúng ta khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, thêm một lần thấm thía lời dạy của Bác Hồ ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Ý dân là ý trời, làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành, làm trái ý nguyện của dân thì bại”, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chia sẻ: Sự hy sinh lớn lao của những người con dũng cảm đã góp dòng máu đỏ, hiến dâng tuổi trẻ của mình vào những chiến công của quân và dân Nghệ An, vào chiến thắng của dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước. Những cái tên, những gương mặt của tuổi thanh xuân ấy đã hóa thân vào lịch sử, sẽ mãi mãi được đời sau tri ân, ghi nhớ.

Xúc động chương trình nghệ thuật: “Truông Bồn – Dấu chân anh hùng” - Ảnh 3.

Ban tổ chức đã tặng 14 sổ tiết kiệm tới thân nhân 13 liệt sĩ và bà Trần Thị Thông - người duy nhất còn sống của Tiểu đội 2, Đại đội 317 sau trận bom sáng 31/10/1968.

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Truông Bồn mưa bom, bão lửa năm xưa đã hồi sinh và vươn mình đứng dậy, kiêu hãnh và rất đỗi tự hào. Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương và hoạt động nhằm tôn vinh chiến công oanh liệt, tri ân sự hy sinh của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong, bộ đội, dân công nơi tọa độ lửa Truông Bồn.

Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng” gồm hai chương: “Trang sử vinh danh” và “Lửa hồng tiếp bước tương lai" với các tiết mục đặc sắc.

Chương trình nghệ thuật năm nay, bên cạnh các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp còn có sự tham gia của 150 người con Truông Bồn.

Đặc biệt, màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng máy bay không người lái xếp hình 13 ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm, quy tụ thành ngôi sao lớn nhằm tưởng nhớ 13 anh hùng liệt sĩ Tiểu đội 2, Đại đội 317 đã hy sinh vào ngày 31/10/1968 và hàng ngàn ngôi sao như vậy tượng trưng cho hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ huyết mạch giao thông.

Cũng tại chương trình này, ban tổ chức đã tặng 14 sổ tiết kiệm tới thân nhân 13 liệt sĩ và bà Trần Thị Thông - người duy nhất của Tiểu đội 2, Đại đội 317 còn sống sau trận bom sáng 31/10/1968. 

Ngoài ra, Báo Nhân dân cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 50 căn nhà tình nghĩa, trị giá 2,5 tỷ đồng; Ban Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cựu thanh niên xung phong và thanh, thiếu niên Nghệ An có hoàn cảnh khó khăn 300 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.