1. “Con có thể tin tưởng bố mẹ” hoặc “Bố mẹ ở đây để giúp đỡ con”
Bất cứ khi nào bạn thấy con mình đang nghi ngờ bản thân hoặc khi chúng muốn làm điều gì đó nhưng không đủ can đảm, hãy nói câu này.
Bạn cần cho con mình biết rằng, chúng có thể tin tưởng và nhờ bố mẹ giúp đỡ nếu cần. Những câu nói như vậy sẽ củng cố sự gắn bó, tin tưởng giữa bố mẹ và con cái, mang lại cho trẻ sự an toàn, sự tự tin.
2. “Con có thể nói cho bố mẹ biết” hoặc “Bố mẹ đang nghe con nói đây”
Bạn hãy dừng việc đang làm, sẽ chỉ tốn vài phút để lắng nghe con mình nói nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy bố mẹ đang quan tâm mình và chúng có thể tin tưởng vào bố mẹ hơn.
Việc lắng nghe cũng cần cẩn thận, bố mẹ không nên chế nhạo hay cắt ngang câu chuyện con cái đang kể, cũng như hạ thấp tầm quan trọng của sự việc.
Nếu con cái muốn chia sẻ với bố mẹ, điều đó có nghĩa sự việc này rất quan trọng đối với trẻ. Nếu muốn đưa ra ý kiến, bạn hãy đợi con mình nói xong.
Những gì bạn có thể làm lúc này là thể hiện sự quan tâm và hào hứng trước những gì trẻ nói, chẳng hạn như: “Có thật không vậy con”, “Thật tuyệt vời”… Trẻ con rất thích được nghe như vậy.
Đây là cách tốt nhất để bắt đầu giao tiếp với con cái và củng cố lòng tin của chúng đối với bố mẹ.
3. “Bố mẹ yêu con rất nhiều” hoặc đơn giản hơn là “Bố mẹ yêu con”
Câu nói này củng cố lòng tin một cách mạnh mẽ, cải thiện mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đặc biệt, nó còn khiến cho trẻ cảm thấy tự tin, an tâm khi được bao bọc bởi tình yêu thương của bố mẹ.
Những đứa trẻ cảm thấy luôn được bố mẹ yêu thương sẽ có thái độ sống tích cực và lạc quan. Chúng cũng có xu hướng lịch sự và biết tôn trọng người khác.
4. “Con có tha thứ cho bố mẹ không?”
Là con người, chẳng ai hoàn hảo kể cả bố mẹ, chúng ta có thể mắc sai lầm vào một lúc nào đó. Cách tốt nhất để giáo dục con cái về tính trách nhiệm chính là thừa nhận việc mình làm sai.
Do đó, bất cứ khi nào bạn nghĩ mình đã mắc sai lầm như lớn tiếng quát mắng con cái, hay áp dụng những hình phạt bất công, hãy đưa ra lời xin lỗi chân thành với con mình.
Bạn cần giải thích mình sai ở đâu, cảm giác như thế nào và học được gì sau sự việc đó để trẻ cũng có thể hiểu và rút kinh nghiệm.
5. “Bố mẹ tin tưởng ở con”
Khi trẻ làm một điều gì đó nhưng không thành công ngay lần đầu tiên, việc nói ra những lời tin tưởng sẽ giúp trẻ không nản lòng và cố gắng thử lại lần nữa.
Bằng cách tin tưởng vào trẻ, bạn đang giúp chúng củng cố thêm sự tự tin vào bản thân. Trẻ sẽ tin rằng, mình có thể đạt điều bản thân muốn nếu không dễ dàng từ bỏ, sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách giải quyết khác.
6. “Bố mẹ hiểu cảm giác của con”
Câu nói này thể hiện sự đồng cảm và kết nối cảm xúc với con cái. Khi trẻ cảm thấy không được bố mẹ thấu hiểu, chúng sẽ trở nên thất vọng và dần hình thành những hành vi tiêu cực như hung hăng, nổi cơn thịnh nộ vô cớ, khóc không kiểm soát, la hét… Đây là cách trẻ thể hiện sự tuyệt vọng của bản thân.
Chỉ một câu nói: “Bố mẹ hiểu cảm giác của con”, rất đơn giản, trung thực và đúng thời điểm sẽ tạo nên sự khác biệt tức thì.
7. “Con có thể khóc nhiều hơn nếu cảm thấy cần”
Khóc là một phản ứng tự nhiên mà cả trẻ em lẫn người lớn có thể cần trong một số tình huống nhất định. Sau khi khóc xong, chúng ta thường cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Vì thế, nếu yêu cầu trẻ không được khóc, điều này chẳng khác nào buộc chúng phải kìm nén cảm xúc của mình.
Những câu nói phổ biến như: “Con hãy mạnh mẽ lên”, “Đàn ông con trai không được khóc”, “Mọi chuyện không có gì cả”… dù được nói ra với mục đích tốt là giảm bớt nỗi buồn cho trẻ nhưng đều có tác động tiêu cực.
Vì vậy, điều tốt nhất bố mẹ có thể làm là để con cái trút bầu tâm sự hoặc để chúng khóc nếu cần.
8. “Bố mẹ tự hào về con”
Đây là câu nói bố mẹ nên sử dụng thường xuyên với con mình. Việc khen ngợi sự nỗ lực của con cái sẽ khiến chúng cảm thấy tự tin và có thêm động lực cố gắng hơn nữa.
Bạn đừng tập trung vào kết quả trẻ đạt được mà hãy chú trọng đến quá trình trẻ thực hiện. Dù kết quả có thể không được như mong muốn nhưng câu nói “bố mẹ tự hào về con” sẽ khích lệ tinh thần của trẻ rất nhiều.
Những lời khen ngợi nếu lạm dụng quá nhiều cũng sẽ không tốt. Vì thế, nó cần được đưa ra đúng lúc, có như vậy mới khiến trẻ thêm tự tin và củng cố lòng tự trọng của chúng.
9. “Ý kiến của con rất quan trọng với bố mẹ”
Bố mẹ nào chẳng muốn những điều tốt nhất cho con cái mình ngay cả khi chúng không hiểu hoặc không thích điều đó.
Trên con đường trưởng thành của mỗi đứa trẻ, buộc chúng phải đưa ra những quyết định. Vì thế, điều quan trọng là trẻ phải bắt đầu phát triển khả năng này ngay từ nhỏ.
Nếu bố mẹ liên tục bảo con cái những gì trẻ nên làm mà không để chúng có tiếng nói, khi không có bố mẹ bên cạnh thì trẻ sẽ sống như thế nào? Vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội, hãy hỏi ý kiến của con cái.
Ngoài việc bố mẹ lắng nghe, có thể để trẻ nói ra ý kiến, quan điểm của mình. Việc chia sẻ như vậy có lợi cho cả con cái và bố mẹ.
10. “Cảm ơn con rất nhiều”
Cách tốt nhất để dạy con cái đánh giá cao hành động của người khác và biết ơn khi họ giúp đỡ mình chính là bản thân phải làm gương.
Trong cuộc sống hằng ngày, bố mẹ có vô số lý do để cảm ơn con cái mình như khi trẻ chủ động giúp đỡ dọn dẹp bàn ăn, đổ rác, quét nhà… Chỉ một câu nói cám ơn cũng đủ khiến trẻ cảm thấy rất vui vì đã giúp đỡ bố mẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận