Giáo dục mầm non Nhật luôn được đánh giá rất cao trên thế giới. Đây là giai đoạn nền tảng rất quan trọng đối với một người, vì thế người Nhật rất chú trọng đến việc trau dồi các kỹ năng sống của trẻ em lúc này.
Sau đây là những sự khác biệt trong nền giáo dục mầm non được nhiều người khen ngợi:
1. Môi trường giáo dục đơn giản
Những lớp học tại các trường mẫu giáo Nhật dù công hay tư cũng đều thiết kế rất đơn giản, ngoại trừ các dụng cụ như piano, TV… và một số sản phẩm cao cấp khác.
Đồ chơi trẻ em thường được làm từ bìa cứng, hộp các tông, giấy báo, đũa gỗ, tre nứa… và rất nhiều sách tranh ảnh. Trẻ thoải mái sắp xếp, vẽ nguệch ngoạc, cắt dán và tự chơi với nhau.
Triết lý giáo dục tại Nhật lấy con người làm trung tâm, cần phát huy hết tiềm năng của bản thân, không biến mình trở thành nô lệ cho các công cụ.
2. Tự sắp xếp đồ đạc của mình
Khi đi học buổi đầu tiên, nhà trường trẻ yêu cầu người mẹ chuẩn bị vài chiếc túi lớn nhỏ. Mỗi chiếc túi sẽ đựng các vật dụng khác nhau, trẻ tự sắp xếp đồ dùng cá nhân của mình, đặt đúng chỗ quy định để rèn luyện tính ngăn nắp ngay từ nhỏ.
Người Nhật cực kỳ khắt khe trong việc phân loại rác cũng liên quan mật thiết tới thói quen được duy trì này ở cấp mẫu giáo.
3. Trẻ em xách cặp, người lớn tay không
Khi bố mẹ đưa trẻ đến trường, họ thường đi tay không mặc dù con cái đang xách đủ các loại túi lớn nhỏ.
Cả nhà trường và phụ huynh đều đồng ý rằng, việc nuôi dạy một đứa trẻ biết tự làm những việc của mình nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Điều này sẽ giúp rèn luyện tinh thần trách nhiệm và khả năng chịu đựng gian khổ của trẻ.
4. Tự mặc quần áo để rèn khả năng sống tự lập
Nhà trường sẽ cấp đồng phục mùa xuân và mùa thu cho trẻ. Khi đến trường học, trẻ sẽ tự thay đồ, mang giày và chạy ra sân chơi.
Mỗi sáng, một loạt các thủ tục thay quần áo sẽ được trẻ tự làm, giáo viên chỉ đứng nhìn con, không đưa tay ra giúp đỡ.
Các trường mẫu giáo ở Nhật cho trẻ rèn luyện khả năng sống tự lập thông qua việc ăn mặc, thay quần áo hằng ngày.
5. Rèn luyện thói quen tự đi đại tiện ngay từ lúc mới biết đi
Có hẳn một lớp học dành riêng cho việc này tại trường mẫu giáo. Giáo viên sẽ làm mô hình giả làm ông tiên phân dễ thương để dạy cho trẻ hiểu mối quan hệ giữa phân và sức khỏe con người.
Đồng thời, họ cũng làm ra nhiều hình dạng phân khác nhau bằng đất sét để trẻ có thể phân biệt được loại nào tốt, loại nào xấu, cần chú ý điều gì khi ăn uống.
Việc dạy trẻ tự đi đại tiện bắt đầu từ lúc 1 tuổi rưỡi. Khi đi học mẫu giáo, giáo viên dạy cách sử dụng nhà vệ sinh và tự vệ sinh cơ thể một cách chính xác.
6. Dạy trẻ cách "cười" và "cảm ơn"
Trẻ em học mẫu giáo ở Nhật không có sách giáo khoa, chỉ có sách tranh. Trọng tâm của việc học thực ra là dạy trẻ cách mỉm cười và nói lời cảm ơn.
Mặc dù không có nhiều kiến thức sách vở nhưng thông qua các phương pháp giáo dục toàn diện, trẻ có nhiều tiến bộ trong âm nhạc, nghệ thuật và cách ứng xử với mọi người.
7. Giáo dục ẩm thực
Giáo dục ẩm thực bao gồm việc tâm trạng vui vẻ, lòng biết ơn, ý thức khi ăn uống. Nhà trường không chỉ dạy trẻ cách ăn uống mà còn học ý nghĩa từ việc biết ơn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm…
Trước bữa ăn, trẻ sẽ nói “mời mọi người ăn”, sau khi ăn xong sẽ nói “cám ơn vì bữa ăn”. Thói quen như vậy giúp nuôi dưỡng tâm lý biết ơn ở trẻ.
8. Hiểu nguồn gốc của sự sống
Trước ngày sinh nhật của trẻ, giáo viên sẽ liên hệ trước với bố mẹ để hỏi về nguồn gốc của họ tên, đồng thời mượn ảnh của trẻ từ khi mới sinh ra để trưng bày trong lớp, yêu cầu cả người mẹ viết thư kể về quá trình sinh nở rồi đọc cho trẻ nghe trước mọi người trong lớp.
Mục đích của điều này giúp đứa trẻ hiểu được nguồn gốc của sự sống, hiểu được nỗi vất vả, niềm vui và lòng biết ơn đối với bố mẹ mình.
Ngoài ra, trẻ cũng được dạy cách trồng trọt và nuôi động vật để chúng có thể hiểu hơn về cuộc sống.
9. Giáo dục nghi thức
Khi tốt nghiệp mẫu giáo, trẻ cũng sẽ trải qua một buổi lễ long trọng như lễ tốt nghiệp đại học, hiệu trưởng, thầy cô giáo, bố mẹ và các em sẽ ăn mặc trang trọng, cùng nhau chụp ảnh và lưu giữ lại những khoảnh khắc này trong suốt cuộc đời trẻ.
10. Tuân thủ luật lệ giao thông và chú ý giữ trật tự
Trẻ em Nhật được dạy dỗ rất kỹ việc tuân thủ luật lệ giao thông. Khi tan học, nếu không có phụ huynh đón, trẻ sẽ tự về nhà một cách rất có trật tự, khi băng qua đường luôn bấm đèn để đợi xe cộ dừng lại trước khi băng qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận