Cầu cây ở Cherrapunji, Meghalaya, Ấn Độ
Để băng qua các con sông và suối trong rừng Cherrapunji ở bang Meghalaya, đông bắc Ấn Độ, bạn hãy đặt niềm tin vào một cái cây. Không có lối đi tiêu chuẩn nào được tìm thấy, thay vào đó những rễ cây chằng chịt, ngoằn ngoèo của những cây cao su bên bờ trải dài trên mặt nước, tạo thành một cây cầu sống và không ngừng phát triển sang bờ bên kia. Những cây cầu hữu cơ này là kết quả của của bàn tay con người với rất nhiều kiên nhẫn. Phải mất tới 20 năm để một cây cầu có đủ sự cứng cáp cho người băng qua.
Nghĩa trang Merry, Săpânța, Romania
Tại Cimitirul Vesel (nghĩa trang Merry), hơn 600 cây thánh giá bằng gỗ đầy màu sắc mang những câu chuyện cuộc đời, những chi tiết kỳ lạ và những khoảnh khắc cuối cùng của những thi thể nằm bên dưới. Phong cách của nghĩa trang được tạo ra vào những năm 1930 bởi Stan Ioan Pătraş, người đã bắt đầu khắc những bài thơ thông minh và mỉa mai về những người đã khuất hoặc vẽ chân dung của họ trên thánh giá.
Star City, Moscow Oblast, Nga
Trong quá trình phát triển chương trình không gian của Liên Xô, một cơ sở không quân bí mật trong khu rừng phía đông bắc Mátxcơva đã biến thành một khu định cư gọi là Thành phố Ngôi sao. Khu vực này là nơi các phi hành gia tiềm năng sẽ trải qua quá trình chuẩn bị về thể chất, kỹ thuật và tâm lý cho chuyến bay vào vũ trụ. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, trung tâm mở cửa hoạt động cho công chúng tham quan. Ngày nay, du khách đến đây có thể mặc một bộ quần áo vũ trụ giả, đi xe trong máy ly tâm hoặc lên một chuyến bay mô phỏng không trọng lượng thông qua quỹ đạo parabol.
Hang động Fingal, Scotland
Fingal’s Cave ở Scotland’s Inner Hebrides là một hang động biển khổng lồ (82 x 22m) với những bức tường bằng các cột đá bazan hình lục giác. Truyền thuyết Celtic cho rằng, hang động từng là một phần của cây cầu bắc qua biển, được xây dựng bởi những người khổng lồ để chiến đấu với nhau. Theo các nghiên cứu khoa học thì nó được hình thành bởi những khối dung nham nguội đi quá chậm và vỡ ra thành những cột dài hình lục giác, giống như bùn nứt ra dưới nắng nóng.
Đền ngầm ở Damanhur, Italia
Nằm bên dưới một ngôi làng miền núi của Damanhur là những ngôi đền dưới lòng đất được trang trí rất lộng lẫy. Từ năm 1978 đến năm 1992, các công nhân đã làm việc suốt ngày đêm để khai quật 8.500m khối đất. Mỗi sảnh và hành lang của ngôi đền đều được trang trí theo một chủ đề khác nhau với những bức tranh tường, cửa sổ kính màu, gương và tranh ghép. Tác phẩm nghệ thuật theo phong cách thập niên 70 mô tả nhiều điều từ lịch sử vũ trụ hay một khu rừng bao gồm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đến trạm vũ trụ quốc tế... Những căn phòng hình tròn có rất nhiều tác phẩm điêu khắc do mỗi thành viên trong cộng đồng đều phải chạm khắc một bức tượng theo phong cách riêng của họ.
Mực đom đóm ở Vịnh Toyama, Nhật Bản
Mực đom đóm là một loài động vật có phần chân và đầu màu xanh lam rực rỡ và thường sống ở những vùng biển nước sâu và tối ở Nhật Bản. Nhưng hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 5, hàng triệu con kéo đến Vịnh Toyama để đẻ trứng. Thời điểm này trong năm cũng là mùa đánh bắt chính. Nếu bạn đến những vùng nước này trước bình minh sẽ thấy hàng triệu sinh vật nhấp nháy. Các bãi biển được "tắm" trong ánh sáng xanh của những con mực trưởng thành có tuổi đời 1 năm và chuẩn bị đẻ trứng.
Xưởng mộc Kane Kwei, Accra, Ghana
Một giáo viên người Ghana đã từng bị chôn vùi trong cây bút bi, một ca sĩ được đặt nằm yên bên trong chiếc micrô, và một người lao động bị giam trong cái búa... Những “cỗ quan tài tưởng tượng” này, được phỏng tác theo hình dạng của các vật phẩm đại diện cho nghề nghiệp, đam mê hoặc khát vọng của người quá cố, được làm bởi các thợ thủ công tại xưởng mộc Kane Kwei.
Công viên Paronella, Queensland, Australia
Từ khi còn nhỏ, thợ làm bánh José Paronella đã mơ ước xây một lâu đài. Năm 1913, José, khi đó 26 tuổi, rời làng của mình ở Catalonia và chuyển đến vùng nhiệt đới phía bắc Australia. Ở đó, anh trở nên giàu có nhờ trồng mía và có thể theo đuổi ước mơ của mình. Năm 1929, Paronella mua một khu rừng nhiệt đới ở Queensland và bắt đầu tự xây lâu đài của mình một cách thủ công, sử dụng cát, đất sét, đường ray xe lửa cũ, sỏi từ con lạch gần đó và gỗ lấy từ những ngôi nhà bỏ hoang. Đến năm 1935, lâu đài được mở rộng bao gồm một hồ bơi, quán cà phê, rạp chiếu phim và phòng khiêu vũ, cũng như sân tennis và khu vườn biệt thự với cầu thang lớn - tất cả đều mở cửa cho công chúng tham quan.
Nhạc cụ vĩ đại, Luray, Virginia, Mỹ
Nằm sâu trong hang động đá vôi Luray là một nhạc cụ khác thường được thiết kế bởi một người tên là Leland W Sprinkle. Với bảng điều khiển 4 bàn phím, nó trông giống như một cây đàn organ nhà thờ đa dạng, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: không có ống dẫn. Thay vào đó, các “đường ống” là thạch nhũ và nhạc cụ là một chiếc điện thoại - một thiết bị tạo ra âm nhạc bằng những tảng đá nổi bật với các âm sắc khác nhau. Sprinkle, một nhà toán học và nhà khoa học điện tử tại Lầu Năm Góc, đã nảy ra ý tưởng cho “Đàn organ dạng ống” sau khi đi tham quan các hang động vào năm 1954. Ông đã dành 3 năm để tìm kiếm các nhũ đá tương ứng với các nốt nhạc cần thiết. Ngày nay, đàn organ phục vụ du khách với các bản trình diễn tự động của các tác phẩm kinh điển.
Bão sét vĩnh cửu, Catatumbo, Venezuela
Trong 260 đêm trong năm, thường kéo dài tới 10 tiếng đồng hồ, bầu trời phía trên sông bị sét xuyên qua, tạo ra tới 280 cú đánh mỗi giờ. Được biết đến với cái tên tia chớp Catatumbo, cơn bão sấm sét vĩnh cửu này đã hoành hành trong thời gian dài. Các tia sét có thể nhìn thấy từ khoảng cách 25 dặm. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã xác định rằng, các tia sét có khả năng là do một luồng không khí quét hơi ẩm từ biển Caribe và đẩy nó lên phía trên hồ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận