Thời sự Quốc tế

10 năm sau vụ máy bay MH370 mất tích, thân nhân nạn nhân vẫn chờ một lời xin lỗi

27/11/2023, 15:54

Ngày 27/11, một tòa án tại Trung Quốc sẽ mở phiên điều trần về yêu cầu đòi bồi thường từ gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370.

Thân nhân nạn nhân không hề nhận được lời xin lỗi hay bồi thường 

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN trước cuộc điều trần dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân quận Chaoyang, Bắc Kinh ngày 27/11, ông Jiang Hui - con trai nữ hành khách 70 tuổi có mặt trên chuyến bay MH370 cho biết: “Trong suốt 10 năm, thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn không chấp nhận thỏa thuận dàn xếp với Malaysian Airlines đã không hề nhận được một lời xin lỗi hoặc một đồng bồi thường”.

Theo CNN, ông Jiang là một trong số khoảng 40 gia đình Trung Quốc đã đệ đơn kiện hãng bay Maylasia Airlines, công ty bảo hiểm của hãng hàng không này, hãng sản xuất máy bay Boeing và nhà sản xuất động cơ của máy bay từ hơn 7 năm trước. 

Các gia đình nguyên đơn yêu cầu bồi thường, được xin lỗi chính thức, hỗ trợ về tinh thần cho các thành viên gia đình cũng như thành lập quỹ để tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay.

Theo ông Jiang, phiên tòa sẽ kéo dài tới ngày 5/12, trong đó phiên xét xử riêng về trường hợp của gia đình ông sẽ diễn ra ngày 1/12.

Trung Quốc mở phiên tòa đòi bồi thường cho gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370 - Ảnh 1.

Bức tranh ghi lại lời cầu nguyện cho hành khách, thành viên phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MH370 (Ảnh; Reuters).

Trong số hơn 200 người có mặt trên chuyến bay MH370, có 153 người là công dân Trung Quốc.

Phản hồi đề nghị bình luận từ hãng tin CNN, hãng Boeing khẳng định: “Chúng tôi sẽ nhớ mãi về những người có mặt trên chuyến bay MH370 và thân nhân của họ”.

Hãng tin CNN cũng liên hệ với hãng bay Malaysia Airlines, hãng bảo hiểm Allianz và công ty Rolls-Royce để đề nghị đưa ra bình luận trước thông tin về phiên điều trần tại Trung Quốc nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Hiện chưa rõ liệu tòa án Trung Quốc có thể áp dụng quyền hành pháp ra sao đối với các bị đơn trong khi tất cả công ty, tập đoàn này đều là các công ty quốc tế có trụ sở bên ngoài Trung Quốc. Dù vậy, Malaysia Airlines, Boeing và Roll-Royce đều có các văn phòng tại Trung Quốc.

Gia đình các nạn nhân từng đệ đơn kiện tương tự lên tòa án tại Mỹ nhưng bị hủy bỏ vì tòa án đưa ra quan điểm đây là trách nhiệm thuộc hệ thống luật pháp của Malaysia.

Tại Malaysia, hai thanh niên trẻ mất cha trong chuyến bay định mệnh đã kiện Malaysia Airlines vi phạm hợp đồng và kiện Chính phủ Malaysia về lơ là trách nhiệm liên quan tới vụ tai nạn này. Vụ kiện đã được dàn xếp ngoài tòa án vào một năm sau đó.

Tại Trung Quốc, các gia đình ký thỏa thuận dàn xếp với Malaysian Airlines nhận được 2,5 triệu nhân dân tệ (350.000 USD) tiền bồi thường. Ban đầu, chỉ khoảng vài chục gia đình ký thỏa thuận nhưng con số đã tăng dần sau vài năm. 

Tới tháng 3/2021, khoảng 90 gia đình vẫn từ chối ký thỏa thuận dàn xếp, nhưng sau đại dịch Covid-19 con số giảm xuống một nửa. Giờ đây, theo ông Jiang, hiện chỉ còn khoảng 40 gia đình từ chối dàn xếp với hãng bay Malaysian Airlines.

“Trong hành trình dài tìm kiếm sự thật, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc thậm chí khánh kiệt. Cuối cùng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận dàn xếp”, ông Jiang nói và khẳng định dù đã chấp nhận dàn xếp hay chưa, tất cả gia đình đều có chung mục tiêu cuối cùng là tìm ra máy bay và người thân.

Hành trình gần 10 năm tìm mẹ

Trong báo cáo năm 2018, giới chức Malaysia kết luận đội điều tra không thể xác minh nguyên nhân thực sự dẫn đến vụ mất tích của máy bay MH370. 

Họ cho rằng nguyên nhân dẫn tới vụ máy bay mất tích bí ẩn khả năng cao sự can thiệp của con người hoặc sai sót hơn là giả thuyết trục trặc hệ thống trong phương tiện.

Do thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn tới nhiều giả thuyết khác nhau về những gì xảy ra đối với chuyến bay. 

Dù đến nay máy bay MH370 vẫn chưa được tìm thấy, nhưng một số mảnh vỡ của phương tiện đã trôi dạt lên các hòn đảo ở phía nam Ấn Độ Dương và châu Phi, cho thấy máy bay nhiều khả năng đã bị vỡ thành nhiều mảnh.

Trung Quốc mở phiên tòa đòi bồi thường cho gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370 - Ảnh 2.

Ông Jiang Hui - thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 (Ảnh: CNN).

Tuy vậy, theo ông Jiang, một số thân nhân các nạn nhân còn tin rằng người thân của họ vẫn còn sống. Về phần mình, ông Jiang cho hay ông luôn giữ quan điểm cởi mở và sẵn sàng chấp nhận mọi kết cục miễn là có bằng chứng xác thực.

Trong gần 10 năm qua, ông Jiang đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm máy bay MH370 nhằm giải đáp câu hỏi tại sao máy bay chở mẹ của ông trở về Trung Quốc sau kỳ nghỉ tại Malaysia lại biến mất không để lại vết tích. 

Mẹ của ông Jiang, bà Jiang Cuiyun, là một trong số 239 người có mặt trên chuyến bay của Malaysian Airlines khi phương tiện chệch hướng khỏi lộ trình bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh và biến mất khi đang bay qua Ấn Độ Dương vào ngày 8/3/2014.

Trước khi thảm kịch xảy ra, ông Jiang là một giám đốc đầy tham vọng tại văn phòng ở Bắc Kinh của một công ty truyền thông quốc doanh của Trung Quốc. Nhưng một năm sau khi máy bay MH370 mất tích, ông Jiang quyết định nghỉ việc và dồn công sức vào việc tìm kiếm phương tiện.

Kể từ đó, ông Jiang miệt mài tìm gặp các đội tìm kiếm máy bay tại Australia hoặc tự mình tìm kiếm mảnh vỡ máy bay trên những bờ biển hẻo lánh ở Mauritius, Madagascar và Réunion - hòn đảo của Pháp tại Ấn Độ Dương.

Ông Jiang cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp giữa gia đình các hành khách trên chuyến bay để thảo luận bước tiếp theo trong hành trình tìm kiếm câu trả lời cho sự biến mất bí ẩn của người thân.

Lòng kiên trì của ông Jiang bắt nguồn từ tấm lòng của một người con hiếu thảo luôn đau đáu vì chưa báo hiếu được nhiều cho mẹ. “Tôi đã đến tuổi báo hiếu cho mẹ nhưng không còn cơ hội thực hiện ước muốn. Vì vậy, tìm kiếm mẹ là cách duy nhất tôi có thể làm để báo hiếu bà”, ông Jiang nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.