Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm 2023.
01. Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII
Hội nghị Trung ương 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa XIII, diễn ra từ ngày 15 - 17/5/2023).
Hội nghị đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu từ đầu nhiệm kỳ và chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cùng bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới để đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Trung ương thống nhất cao cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song với ý chí, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trung ương khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây.
Đặc biệt, có một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là Trung ương đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về chương trình hành động triển khai thực hiện 6 nghị quyết; các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ GTVT cũng đồng loạt ban hành chương trình hành động với những kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Đến thời điểm này, nhiều quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã hoàn thành; hàng loạt công trình, dự án hạ tầng giao thông được khánh thành, đưa vào sử dụng tạo nên diện mạo mới cho đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chứng minh các nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống.
02. Loạt cơ chế đặc thù gỡ khó hạ tầng giao thông
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra trong 22,5 ngày, chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 23/10 - 10/11; đợt 2 từ ngày 20 - 29/11/2023.
Tại kỳ họp này, với tỉ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 Luật, 9 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật.
Ngoài việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng ban hành một số nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong số này, có Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Trong đó, nhiều cơ chế đặc thù đã được cho phép áp dụng như: Tỷ lệ vốn góp Nhà nước được vượt quá 50% với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tối đa 70%) và dự án đường bộ ven biển Thái Bình (tối đa 80%), giúp triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án quốc lộ, đường cao tốc mà Chính phủ đề xuất. Trước đây, nhiều địa phương có tiền, sẵn sàng đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn nhưng không thể thực hiện vì không được phép.
Quốc hội cũng cho phép nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án. Thời gian làm thủ tục được đánh giá sẽ rút ngắn từ 8-10 tháng so với quy trình thông thường.
03. Việt Nam "vượt qua cơn gió ngược", tiếp tục là điểm sáng
Với mức tăng 6,72% đạt được trong quý IV/2023, tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt 5,05%.
Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù tăng trưởng GDP cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đây vẫn là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Quy mô GDP năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Hàng loạt chính sách tài khoá, tiền tệ ở mức lớn nhất từ trước tới nay được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, đất đai, xây dựng, bất động sản.
Nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam đã vượt "cơn gió ngược" khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Để đạt được kết quả như vậy là nhờ những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Điều đó khiến Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
04. Dấu ấn ngoại giao nâng vị thế Việt Nam
Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, trong năm qua, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại.
Các hoạt động đối ngoại diễn ra rất sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa được bổ sung vào nhóm này), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực và quốc tế; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ…
Phát biểu tại hội nghị ngành ngoại giao được tổ chức cuối tháng 12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Kết quả đối ngoại năm qua có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước, tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế".
05. Bứt phá phát triển cao tốc, giải ngân vốn giao thông kỷ lục
Năm 2023, việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc.
Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892km; đang thi công khoảng 1.700km, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km cao tốc vào năm 2025; 5.000km cao tốc vào năm 2030.
Về hàng không, nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được khởi công...
Về giải ngân vốn đầu tư công, một động lực quan trọng của tăng trưởng, tỷ lệ cả năm đạt hơn 94% kế hoạch, trong đó ngành GTVT nổi lên như một điểm sáng. Năm 2023 Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn hơn 95.000 tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022), chiếm 1/4 dự toán chi đầu tư phát triển song luôn đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân, cả năm đạt hơn 95%.
Ghi nhận sự nỗ lực của Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ cao tốc, tại buổi tổng kết ngành GTVT năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: "Đường mở tới đâu, không gian phát triển mở ra tới đó… Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng".
06. Công cuộc đốt lò tiếp tục rực cháy, xử nhiều đại án lớn
Trong năm 2023, cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Thêm nhiều quan chức, cựu quan chức bị khởi tố, bắt giam, kỷ luật, tiếp tục cho thấy trong cuộc chiến này không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương.
Trong số các cán bộ đương nhiệm bị bắt, nhiều người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ, tiếp tay cho doanh nghiệp làm điều phi pháp. Điển hình là vụ Xuyên Việt Oil với cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; vụ cát lậu với Chủ tịch An Giang Nguyễn Thanh Bình…
Trong năm, nhiều người khác cũng bị bắt giam do sai phạm khi còn tại vị như: cựu Chủ tịch Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, cựu Chủ tịch tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng; cựu Chủ tịch Phú Yên Phạm Đình Cự… Nhiều cựu bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch tỉnh khác bị kỷ luật, xóa hết chức vụ…
Năm 2023 cũng chứng kiến nhiều đại án được phát hiện, đưa ra xét xử. Trong số này phải kể đến vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đồng phạm chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB, nhiều cán bộ thanh tra ngân hàng đã nhận hối lộ từ vài trăm nghìn đến hàng triệu USD… gây sốc dư luận.
Nhiều đại án khác cũng đã được đưa ra xét xử như vụ AIC, vụ chuyến bay giải cứu, Việt Á… với những bản án nghiêm khắc.
07. Thảm họa cháy chung cư mini tại Hà Nội
Năm 2023 đã xảy ra gần 2.000 vụ cháy nổ, gần 150 người chết, gây thiệt hại vật chất nặng nề. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini xảy ra ngày 12/9 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Những con số đầy ám ảnh nói lên thực trạng đáng báo động trong công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó có tình trạng buông lỏng quản lý để xảy ra việc xây dựng nhiều công trình trái phép, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy; công tác thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm dẫn đến vi phạm kéo dài; ý thức đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy của người dân chưa cao...
Sau vụ cháy chung cư mini, ngành chức năng và các địa phương đã tổng rà soát và thống kê cả nước có hơn 10.000 chung cư mini. Tuy nhiên, giải pháp để đảm bảo an toàn cháy nổ vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Đặc biệt là câu chuyện truy trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm vẫn chưa được làm triệt để. Điển hình như vụ cháy chung cư mini Thanh Xuân, đến nay vẫn chưa rõ cá nhân nào có trách nhiệm, trừ chủ chung cư đã bị bắt ngay khi đó.
08. Chính thức đấu giá biển số xe
Nghị quyết số 73/202 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, người dân sẽ được quyền lựa chọn, đấu giá để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn. Việc thí điểm được tiến hành trong 3 năm, mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng/lần đấu giá.
Từ giữa tháng 8, việc đấu giá bắt đầu được thực hiện, những phiên đấu giá đầu tiên còn một số trục trặc hoặc khá nhiều người bỏ cọc thì đến nay mọi chuyện đã dần đi vào ổn định. Đã có hàng chục nghìn biển số trúng đấu giá, trong đó giá trúng đều khá cao, từ vài trăm triệu đồng đến cả chục tỷ đồng.
Chủ trương đấu giá biển số xe đã được đề xuất từ lâu, song phải đến năm 2023 mới được hiện thực hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, việc này giúp ngăn được tiêu cực trong cấp biển số xe, tạo được nguồn thu đáng kể cho ngân sách, khai thác hiệu quả tài nguyên số trong kho.
09. 80 năm ra đời đề cương văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Sau 80 năm, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa. Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay đều dựa trên các quan điểm từ bản Đề cương này.
Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa ý nghĩa lịch sử, thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Trọng tâm nổi bật là Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" diễn ra tại Hà Nội và được phát trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.
Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt cũng đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bên cạnh đó, các hoạt động hội thảo, tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng đã được tổ chức…
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để xây dựng đất nước.
10. Thể thao Việt Nam lần đầu đứng đầu kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 26/4 – 18/5 gồm 36 môn thể thao với tổng số 581 nội dung. Sau 20 ngày thi đấu, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giành được tổng cộng 359 huy chương các loại, trong đó 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc, 118 huy chương đồng, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn tại một kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực khi thi đấu ở nước ngoài.
Đoàn giành gần 25% số huy chương vàng tại Đại hội, bỏ xa Thái Lan cách biệt 28 chiếc. So với hai lần dẫn đầu toàn đoàn trên sân nhà năm 2003 và 2022, chiến thắng của Việt Nam trên bảng tổng sắp kỳ này bất ngờ hơn. Các môn thể thao thế mạnh như lặn, vật, judo và vovinam đem về cho đoàn hơn 30% số huy chương vàng.
Báo Giao thông bình chọn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận