Văn hóa - Giải Trí

10 sự kiện Văn hóa, Thể thao nổi bật năm 2021

30/12/2021, 16:19
image

Năm 2021 đầy biến động bởi dịch Covid-19, ngành Văn hóa, Thể thao nước nhà có nhiều điểm sáng. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật.

1. Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021

Cuối tháng 11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.

img

75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ảnh: Vũ Toàn

Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên vào ngày 24/11/1946, mới có Hội nghị tiếp theo có quy mô lớn đến vậy. Như lời của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ thì Hội nghị “thể hiện ý thức, quyết tâm dành cho lĩnh vực văn hóa của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng, tính cấp thiết khi xây dựng một xã hội phát triển, hòa nhập và sánh vai cùng nhiều nền văn hóa, văn minh quốc gia khác”.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Hội nghị đã “thể hiện sự cấp bách, như bản tuyên ngôn về con đường đi của dân tộc, đó là con đường văn hóa, như lời Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, đây là một “Hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định “Hội nghị là sự kiện mang tính chất lịch sử” và “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Từ đó, Bộ trưởng kiến nghị Nhà nước cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Bởi, văn hóa giữ vai trò điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế còn tồn tại trên lĩnh vực văn hóa. Từ đó, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, như: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa; phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”…

2. Điệu Xòe Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2021, văn hóa Việt một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới khi Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

img

Điệu múa xoè Thái

Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Người dân thường múa Xòe trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. Người Thái có câu: “Không xòe, không tốt lúa/ Không xòe, thóc cạn bồ/ Không xòe, hoa sẽ tàn héo/ Không xòe, trai gái không thành đôi”.

Ngày nay, nghệ thuật Xòe không chỉ là một tài sản văn hóa, sợi dây gắn kết cộng đồng mà còn trở thành biểu tượng của sự cởi mở, lòng hiếu khách. Đó là dấu ấn văn hóa tộc người và là một bản sắc văn hóa của Việt Nam. Việc Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể góp phần khẳng định bản sắc văn hoá phong phú của dân tộc, đề cao sự tôn trọng đa dạng văn hoá.

Đồng thời, điều này như một sự ghi nhận của quốc tế với những giá trị văn hóa của Việt Nam. Sự ghi danh này sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Qua đó, nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam.

3. Nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế

Mùa hoa hậu năm 2021 chứng kiến cơ hội tỏa sáng của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế. Thành công lớn nhất thuộc về Thùy Tiên khi vượt qua 60 thí sinh để đăng quang Miss Grand International.

Sau Phương Khánh, đây là danh hiệu hoa hậu thứ hai Việt Nam có được trong hệ thống sáu cuộc thi lớn nhất thế giới.

img

Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International

Kim Duyên và Đỗ Thị Hà cũng gây chú ý với khán giả tại Miss Universe và Miss World. Trước chung kết, Missosology dự đoán đúng việc á hậu Kim Duyên có tên trong top 16 chung cuộc.

Trong một diễn biến khác, Vũ Huyền Diệu - 14 tuổi đã vượt qua 30 thí sinh các quốc gia và vùng lãnh thổ để đăng quang Miss Eco Teen International tại Ai Cập. Cuộc thi nhằm hưởng ứng bảo vệ môi trường, được tổ chức từ năm 2017

Nhờ thành tích này, Việt Nam hiện đang ở vị trí thứ 50 trên bảng xếp hạng sắc đẹp toàn cầu (theo bảng tổng kết của chuyên trang sắc đẹp Global Beauties cho 200 quốc gia).

4. Điện ảnh Việt vượt khó và băn khoăn của Dự thảo Luật Điện ảnh

Trong khi rạp Việt điêu đứng, hoạt động cầm chừng giữa đại dịch thì điện ảnh Việt được xoa dịu với hàng loạt bom tấn trăm tỷ như: “Bố già” (420 tỷ đồng), “Lật mặt - 48 giờ” (hơn 150 tỷ đồng), “Chị mười ba” (100 tỷ đồng)...

img

Bộ phim "Bố Già" mang lại doanh thu kỷ lục trong năm

Một số tác phẩm như: “Vị” thắng giải Encounters tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71; "Người lắng nghe: "Lời thì thầm" thắng ở 3 hạng mục tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á 2021

Liên quan đến những định hướng trong chính sách quản lý điện ảnh, trong kỳ họp Quốc hội, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được bàn thảo nhiều ở hội trường và ở tổ. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Đây cũng là thời điểm giới làm phim mạnh dạn lên tiếng, đối thoại với nhà quản lý với mục đích đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Cụ thể, tại tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều nhà làm phim, nhà quản lý bày tỏ sự quan tâm với phim trên không gian mạng, từ khâu kiểm duyệt, bản quyền cho đến quản lý nhà nước. Trong đó, kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh là vấn đề được quan tâm đặc biệt.

img

Giới làm phim tham gia sự kiện tòa đàm "Ai góp ý giơ tay lên"

Đơn cử, liên quan đến các đề tài như chiến tranh, đời sống tâm linh… bị kiểm duyệt nhiều và không được phát hành, giới làm phim cho rằng, cần có một định nghĩa rõ ràng về “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”.

Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất nên bỏ tiền kiểm - tức là việc kiểm duyệt cho phim chưa có kế hoạch phát hành ở Việt Nam. Sau khi tác phẩm được đưa đi tham gia liên hoan phim quốc tế sẽ tiến hành kiểm duyệt sau. Điều này nằm trong Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký năm 2005, trong đó có điều là xoá bỏ tiền kiểm.

Còn nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho rằng, một trong những rào cản ngăn cản các dự án phim quốc tế đến Việt Nam là hoạt động kiểm định kịch bản.

Nhiều ý kiến trong giới làm phim đều cho rằng, để điện ảnh ở Việt Nam phát triển, rất cần sự hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành là rất cần thiết, bởi khi môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam phát triển.

img

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh

Đáp lại phản biện của giới làm phim, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh khẳng định, những ý kiến ở góc độ làm phim sẽ được ban soạn thảo Luật Điện ảnh nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần, luật cần phải dung hòa, giải quyết được quyền lợi của tất cả các thành phần trong xã hội, chứ không thể “ngả” về một đối tượng nào cả.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, ý kiến bỏ khâu thẩm định kịch bản mới chỉ nhìn ra điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư sản xuất phim.

“Đứng ở góc độ nguồn lợi kinh tế thúc đẩy nền điện ảnh thì điều đó đúng là cởi mở hơn. Song xét ở góc độ an ninh, vấn đề tư tưởng thì điều đó lại ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Việc thẩm định kịch bản là để chúng ta kiểm soát được nội dung bộ phim, tránh để xảy ra những “lỗ hổng” về vấn đề nội dung tư tưởng”, ông Thành nhận định.

Dự kiến, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

5. Một năm nhiều mất mát: Loạt nghệ sĩ gạo cội, tài năng qua đời

Ca sĩ Phi Nhung, Ngô Quốc Linh, nghệ sĩ Bạch Mai, nghệ sĩ Khải Hoàn, nghệ sĩ Kim Phượng... đột ngột qua đời vì Covid-19.

NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Kiên, nhạc sĩ Phú Quang, đạo diễn Lê Cung Bắc... qua đời sau thời gian chiến đấu bệnh tật.

img

Nhiều nghệ sĩ gạo cội, tài năng rời cõi tạm trong năm 2021

Dù họ đã ra đi mãi mãi nhưng những giá trị về nghệ thuật mà các nghệ sĩ đã cống hiến sẽ luôn còn đó, tồn tại mãi với thời gian. Xin vĩnh biệt và tri ân cống hiến cho nghệ thuật nước nhà của những người giờ đã khuất núi xa khơi.

6. Lùm xùm sao kê và từ thiện của giới nghệ sĩ

Sao kê trở thành từ khóa "hot" thu hút sự quan tâm của cộng đồng khi nhắc đến showbiz Việt năm 2021. Nhiều nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… cũng phải thực hiện sao kê để chứng minh sự minh bạch của mình.

img

"Sao kê" và câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều một thời gian dài

Trước sự phản ứng của dư luận và công chúng, công an và các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra các hoạt động quyên góp tiền từ thiện của dàn sao Việt.

Trong những ngày cuối năm 2021, Công an TP.HCM kết luận nghệ sĩ Hoài Linh không "ăn chặn" tiền từ thiện. Theo đó, đơn vị này đã ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc quyên góp tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.

Liên quan đến các đơn thư tố cáo ca sĩ Thủy Tiên và một số nghệ sĩ trong việc làm từ thiện, chiều 28/12, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết: “Chúng tôi xác định lượng tiền vào tài khoản của một số cá nhân còn ít hơn số tiền họ đã ủng hộ từ thiện, việc này đều có xác nhận của UBND hoặc MTTQ hoặc cá nhân liên quan tại địa phương diễn ra hoạt động từ thiện…”.

7. Bát nháo chuyện nghệ sĩ quảng cáo

NSND Hồng Vân, MC Trấn Thành, nghệ sĩ Vân Dung... từng trở thành tâm điểm chỉ trích khi quảng cáo sản phẩm bị tố kém chất lượng. Sau sự việc, các nghệ sĩ phải đứng ra xin lỗi và kêu gọi đồng nghiệp rút kinh nghiệm.

img

Quyền Linh, Hồng Vân lên tiếng xin lỗi khán giả vì quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng

Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ như Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như cũng đồng loạt đăng đàn PR cho tiền ảo. Tuy nhiên, chỉ Nam Thư đứng ra xin lỗi khán giả vì hành động này của mình.

Liên quan đến loạt sự việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa văn bản đề nghị chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Theo đó, Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về biểu diễn, quảng cáo và an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Sở Văn hóa các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về biểu diễn, quảng cáo...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam quán triệt các hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan tỏa những việc tốt, hình ảnh đẹp, ứng xử văn hóa đến cộng đồng.

8. Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự Vòng loại cuối một kỳ World Cup

Tháng 6/2021, sau thời gian dài bị hoãn do dịch bệnh, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra ba lượt đấu còn lại.

img

Tuyển Việt Nam làm nên lịch sử khi vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022

Với những lợi thế trước đó, cộng thêm 2 trận thắng Malaysia và Indonsia, đội tuyển Việt Nam đã giành vé đi tiếp dù để thua UAE ở lượt đấu cuối.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đánh dấu cột mốc đội tuyển Việt Nam góp mặt ở vòng đấu cuối một kỳ World Cup, nó cũng cho thấy bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Dù vậy, thày trò HLV Park Hang-seo sau đó không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup khi bị loại từ vòng bán kết.

9. Đội tuyển futsal Việt Nam lần thứ 2 giành quyền dự World Cup

Sau lần đầu tiên tham dự năm 2016, đội tuyển futsal Việt Nam có lần thứ hai dự World Cup futsal vào năm 2021.

img

Futsal Việt Nam vào vòng 1/8 World Cup

Tại giải này, Việt Nam nằm chung bảng với Panama, CH Séc và Brazil. Thầy trò HLV Phạm Minh Giang xuất sắc giành vé vào vòng knock-out và chỉ chịu thua tuyển Nga với tỷ số 2-3.

10. Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai vô địch WBO ở hạng ruồi nhẹ, giúp boxing Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử đoạt một danh hiệu tầm quốc tế

Ngày 23/10, trong trận đấu tranh đai vô địch WBO hạng ruồi nhẹ, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi của Việt Nam đã xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch người Nhật Bản Etsuko Tada.

img

Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai vô địch WBO thế giới

Với thắng lợi này, Thu Nhi trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên của Việt Nam trong làng quyền Anh chuyên nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.