Tài chính

116 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn: Doanh nghiệp xin giãn nợ, tái cơ cấu

05/07/2023, 11:05

Chuyên gia cho rằng, để trái chủ đồng thuận giãn nợ trái phiếu, doanh nghiệp cần minh bạch trong quá trình tái cơ cấu.

Áp lực trả nợ trái phiếu dồn vào cuối năm

Theo tổng hợp của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19,4 nghìn tỷ đồng.

Đó là chưa tính 7,2 nghìn tỷ đồng thuộc nhóm doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát (doanh nghiệp bị khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản) phát hành năm 2020 và đáo hạn vào ngày 31/7/2022; 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các ngân hàng đáo hạn trong tháng 7.

img

Doanh nghiệp xin giãn nợ trái phiếu để tái cơ cấu.

Những lô trái phiếu đáo hạn đáng quan tâm như: Hai lô trái phiếu SGL-2020.04 và SGL-2020.05 đáo hạn vào ngày 28/7 và 10/7 với tổng giá trị đáo hạn là 2 nghìn tỷ đồng của Công ty TNHH Saigon Glory.

Ngoài ra còn có: Nhóm Novaland đáo hạn 1,738 nghìn tỷ đồng bao gồm Novaland Group đáo hạn 1,3 nghìn tỷ trái phiếu vào ngày 20/7 và gần 138 tỷ vào ngày 23/7; Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân đáo hạn 300 tỷ vào ngày 10/7; FE Credit đáo hạn 4 lô trái phiếu tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ đồng; Công ty CP Phúc Long Vân đáo hạn 1,350 nghìn tỷ đồng vào 12/7; Điện mặt trời Trung Nam đáo hạn 300 tỷ; Bất động sản Hà An đáo hạn 250 tỷ;...

Cũng theo tổng hợp dữ liệu từ (HNX) từ giờ đến hết năm 2023, còn 116,5 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Áp lực đáo hạn sẽ dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, áp lực lớn tiếp theo dành cho tháng 12 với 24,4 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp xin giãn nợ trái phiếu

Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) chưa thể thanh toán gốc trái phiếu đúng hạn. Doanh nghiệp này đã xin được gia hạn thanh toán các lô trái phiếu và áp dụng mức lãi suất cố định mới.

Theo đó, Saigon Glory đã tổ chức lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản qua thư bảo đảm hai chiều về việc điều chỉnh ngày đáo hạn trái phiếu của các lô SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05. Bên cạnh đó, tổ chức phát hành (TCPH) cũng đề xuất áp dụng lãi suất cố định kể từ ngày 1/7 cho đến khi đáo hạn là 10,5%/năm.

Tình trạng tương tự diễn ra với nhiều doanh nghiệp khác như: Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment,… thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Kita Invest, Phát Đạt,… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu.

Đại diện Saigon Glory cho biết, chưa thể khắc phục ngay các khó khăn trong bối cảnh thị trường như hiện tại và việc gia hạn trái phiếu là phương án tối ưu nhất ở thời điểm này để Saigon Glory có thể cơ cấu tổng thể tài chính, ưu tiên mọi nguồn lực cho việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án, hoàn thành thanh toán gốc và lãi trong thời gian được gia hạn.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Tổng giám đốc Nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho rằng: "Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn, trong khi doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nếu gia hạn mà không phải tăng lãi suất thì sẽ là phương án tốt đẹp nhất".

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Fiingroup (Công ty Cổ phần FiinGroup), điểm mấu chốt để tái cấu trúc nợ là các doanh nghiệp cần tăng niềm tin của khách hàng bằng cách minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu cho hoạt động tái cơ cấu nợ, ở các chương trình dự án cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.