Các nghệ nhân phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu (Phú Thọ) biểu diễn bài xoan “Mời rượu” - Ảnh: Khánh Linh |
Về miền đất Tổ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, đâu đâu cũng vang vọng câu xoan mượt mà, đằm thắm, đậm tình người. Hát xoan vốn là “đặc sản” văn hóa cổ truyền của vùng đất Tổ, gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và sự phát triển văn hóa nơi đây.
Những sự tích gắn liền với làn xoan cổ
Miếu Lãi Lèn ở thôn Hội, khu 6, xã Kim Đức, TP Việt Trì được ví như “Nhà hát Lớn” đầu tiên của Việt Nam thời Văn Lang, nơi phát tích nguồn xoan cổ. Ông từ miếu Lãi Lèn Đặng Xuân Hội, Trưởng phường xoan Phù Đức kể: Xưa kia, 3 anh em vua Hùng đi tìm đất để xây dựng kinh đô, khi đi qua thôn Phù Đức đã cho dừng ngựa nghỉ ngơi. Thấy đám trẻ mục đồng vừa chơi những trò chơi dân gian, vừa nghêu ngao những câu hát rất hay, vua thích thú sai lạc hầu, lạc tướng đem thêm những điệu múa và câu hát truyền dạy lại cho đám trẻ. Cảm kích trước tấm lòng của nhà vua, nhân dân nơi đây đã làm bánh nẳng và thịt bò thui đem dâng lên nhà vua.
Từ đó, hàng năm cứ vào ngày mùng 1 - 6 tháng Giêng Âm lịch, nghệ nhân các phường xoan và nhân dân lại tụ hội về miếu Lãi Lèn, dâng lễ vật là bánh nẳng và thịt bò thui, hát những điệu hát xoan mời vua về dự hội làng.
Trải qua chiến tranh và thời gian, ngôi miếu Lãi Lèn có giai đoạn chỉ còn lại một gò đất ở giữa cánh đồng. Năm 2011, hát xoan được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt đề án để xây dựng và khôi phục lại miếu Lãi Lèn. Năm 2015, miếu Lãi Lèn được khánh thành, trở thành nơi để các phường xoan biểu diễn và là điểm đến để du khách thập phương tìm về với làn điệu hát xoan.
Tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì), ngay từ sáng sớm, 11 nghệ nhân phường xoan An Thái đã tề tựu trước sân đình chuẩn bị cho canh diễn phục vụ khách du lịch. Bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường xoan An Thái cho biết, hát xoan có 3 cuộc hội ngộ lớn, vào ngày mồng 3 tháng Giêng khởi đầu cuộc lưu diễn xuân, mồng 10 tháng 3 giỗ Tổ vua Hùng và đại tiệc thờ vua Hùng mồng 10 tháng 9.
Những dịp ấy, khắp các phường Xoan gốc: Thét, An Thái, Phù Đức, Kim Đới ngập tràn không khí xoan, rộn ràng những lời ca tiếng hát, điệu múa làm say lòng người. Cả phường xoan đi phụ giá theo kiệu tới các làng sở tại để hát xoan. Các đào xoan phải đi dưới chân kiệu, vừa đi, vừa hát từ làng mình cho tới đình làng sở tại. “Để hát thờ xưa, các thành viên phải ngâm chân sao cho đôi chân thon, gót hồng sạch sẽ mới được bước vào cửa đình linh thiêng”, bà Lịch kể.
Những người gìn giữ di sản
Chuẩn bị cho giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, ngày nào bà Lịch cũng có mặt tại sân đình từ sáng sớm với khăn đóng, áo dài. Những ngày này, ngày nào cũng có đoàn đăng ký nghe hát xoan, nhiều hôm diễn từ sáng đến tận 22h, dù mệt nhưng vui, phấn khởi và tự hào lắm”, bà Lịch chia sẻ.
Tour du lịch đưa làn xoan cổ đến gần du khách Ngày 4/4, Sở VH,TT&DL Phú Thọ giới thiệu tour du lịch Hát xoan làng cổ tới cộng đồng doanh nghiệp và du khách. Theo đó, du khách được xem hát xoan làng cổ được tổ chức định kỳ vào 14-16h hàng ngày tại đình Hùng Lô và thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại miếu Lãi Lèn, gắn với hoạt động thăm làng cổ, trải nghiệm làm bánh chưng, bánh giầy, chợ quê… Trong tour du lịch, nếu du khách muốn được nghệ nhân và các đào, kép trình diễn ở chặng hát xoan nào trong số ba chặng hát là hát thờ, hát quả cách và hát hội, thì họ đều có thể trình diễn. |
Đào Lịch trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hát xoan, từ nhỏ bà đã theo ông nội là cụ Nguyễn Văn Duy, một nghệ nhân hát xoan có tiếng trong vùng đi biểu diễn khắp nơi. Khi cụ Duy mất đã trao sứ mệnh trùm phường Xoan cho con trai là Nguyễn Tất Thắng (bố của đào Lịch). Chiến tranh và những năm đói kém đã khiến những làn điệu xoan đứt đoạn. Khi về hưu, năm 1996, cụ Thắng tập hợp những người biết hát xoan trong làng để ôn luyện các làn điệu, sưu tầm các tư liệu về hát xoan để từng bước gây dựng lại phường xoan An Thái. Năm 2001, cụ Thắng qua đời, trao lại phường xoan cho bà Lịch. Bà Lịch tiếp tục vận động mọi người gây dựng lại phường xoan cổ và mở lớp dạy hát xoan cho các em nhỏ tại nhà. Đến nay, phường xoan An Thái đã có trên 40 đào kép.
Âu yếm nhìn học trò nhỏ tuổi nhất của phường là bé Bùi Như Quỳnh, 6 tuổi, bà Lịch bảo, lên 4 tuổi, cháu Quỳnh đã theo ông bà ra đình, ra miếu học hát xoan, nghe ông bà hát mà học theo. Đến giờ, cháu Quỳnh đã thuộc gần hết 31 bài hát xoan, đã có thể biểu diễn thuần thục.
Ông Đặng Xuân Hội, người điều hành phường xoan Phù Đức cho biết, không phải tới khi di sản hát xoan được công nhận, các nghệ nhân mới nghĩ đến việc truyền dạy hát xoan cho các thế hệ sau mà họ đã âm thầm làm công việc đó từ năm 1990. Đến nay, mô hình hát xoan trong thành phố và phường, xã được mở rộng, với nhiều đối tượng khác nhau như phụ nữ, thiếu niên.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, công tác đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong Đề án bảo tồn hát xoan giai đoạn 2013 - 2020 và kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản hát xoan hàng năm.
“Đến nay, chúng tôi đã đào tạo được 68 nghệ nhân kế cận có đủ kỹ năng trình diễn và khả năng thực hành đầy đủ 31 bài bản hát xoan. Bên cạnh đó, việc phát triển các CLB hát xoan cũng rất mạnh mẽ, nay toàn tỉnh đã có 34 CLB với khoảng 1.500 thành viên yêu thích và có khả năng trình diễn hát xoan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận