Ngày 26/1, liên quan vụ Thiếu tá công an bị đâm chết vào chiều 30 Tết, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý, Đoàn luật sư TP Cần Thơ cho biết, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội giết người.
Theo thông tin trên báo chí, khoảng 15h40 ngày 24/1 (nhằm ngày 30 Tết), trong lúc Đại uý (đã được truy phong Thiếu tá) Nguyễn Thanh Hải, cảnh sát khu vực 3 Công an phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì bị Đặng Ngọc Minh (SN 1987) và Đặng Ngọc Giàu (SN 1991, em ruột Minh, cùng ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dùng dao tấn công liên tiếp. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng Thiếu tá Hải đã tử vong sau đó.
Minh có tiền án về tội xúc phạm Quốc kỳ, Giàu có tiền án về tội cố ý gây thương tích. Ngoài ra các đối tượng liên tiếp bị xử phạt vi phạm hành chính, giáo dục nhắc nhở do có hành vi cố ý gây rối trật tự công cộng, đánh người.
Luật sư Đức phân tích, hành vi phạm tội của các đối tượng đã tước đi mạng sống của Thiếu tá Hải, gây tang thương mất mát cho gia đình, đồng thời gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự.
Xét theo nội dung vụ án, nếu giữa bị hại và các đối tượng không có xảy ra mâu thuẫn, các đối tượng dùng dao tấn công, xâm phạm đến tính mạng người khác, hành vi phạm tội không dừng lại ở cố ý gây thương tích mà đủ yếu tố cấu thành tội giết người.
Cũng theo luật sư Đức, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định, tội giết người bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình trong các trường hợp: giết 2 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết phụ nữ mà biết là có thai; giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
Mức án trên cũng được áp dụng với trường hợp: giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; thực hiện tội phạm một cách man rợ; bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; thuê giết người hoặc giết người thuê; có tính chất côn đồ; có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; vì động cơ đê hèn...
“Về nguyên tắc, phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội mang tính chất côn đồ, nhân thân xấu và xét thấy không còn khả năng giáo dục cải tạo nữa. Đối chiếu với quy định của pháp luật, hành vi của Minh và Giàu có thể xử lý ở Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có mức hình phạt cao nhất là tử hình", Luật sư Nguyễn Văn Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận