Thị trường

2 tỷ phú USD mới Việt Nam có tài sản khủng thế nào?

07/03/2018, 12:26

Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú USD năm 2018. Đáng chú ý, Việt Nam được ghi nhận thêm hai gương mặt mới.

ty-phu-usd-forbes-4

Hai tỷ phú USD mới của Việt Nam mang họ Trần đang được Forbes ghi nhận

Hai gương mặt mới họ Trần

Cũng theo danh sách trên, ngoài ông Phạm Nhật Vượng (VinGroup, xếp thứ 499) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air, xếp thứ 766), lần công bố năm 2018 này, Việt Nam xuất hiện thêm hai gương mặt mới là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ô tô trường Hải và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Danh sách tỷ phú thường niên lần thứ 32 của Forbes gồm 2.208 tỷ phú với tổng số tài sản đạt 9.100 tỷ USD.

Cả số lượng tỷ phú và tổng số tài sản năm nay đều đạt kỷ lục. Hai mươi người giàu nhất thế giới đang có tổng tài sản đạt 1.200 tỷ USD, tương đương GDP của Mexico nhưng 20 người này đại diện cho chưa đến 1% tổng số tỷ phú nhưng lại chiếm 13% tổng tài sản.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú là Jeff Bezos (Amazon), sở hữu khối tài sản 112 tỷ USD. Trong năm qua, giá cổ phiếu Amazon tăng tới 59%, giúp tài sản của Bezos tăng thêm 39,2 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn nhất trong 1 năm được ghi nhận kể từ khi Forbes bắt đầu xây dựng danh sách vào năm 1987.

Ông Long hiện nắm giữ 381.557.138 cổ phiếu HPG còn ông Dương cùng vợ đang nắm giữ khoảng 65% cổ phần của Thaco. Hai tỷ phú này có khối tài sản lần lượt là 1,3 tỷ USD và 1,8 tỷ USD. Hai tỷ phú mới của Việt Nam cũng lần lượt xếp thứ 1756 và 1339.

Năm 2017 doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn Hoà Phát đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước. Hoà phát đang là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép Việt Nam, năm 2017 cũng xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. 2017 cũng là năm thép xây dựng Hòa Phát vượt mốc 2 triệu tấn/năm, tăng trưởng 20% và vượt gần 10% kế hoạch năm. Đối với sản phẩm ống thép, Tập đoàn cũng dẫn đầu thị trường với thị phần 26,4%...

ty-phu-usd-forbes-2

Forbes ghi nhận và xếp hạng bốn tỷ phú USD của Việt Nam

Còn với Trường Hải, năm 2017 Tập đoàn này tiêu thụ được hơn 89.600 ô tô và nắm giữ khoảng 36% thị phần ô tô toàn quốc. Tháng 12 năm 2017, Trường Hải đã khánh thành nhà máy Bus Thaco lớn nhất Đông Nam Á tại Quảng Nam. Từ tháng 1/2018 Trường Hải chính thức phân phối dòng BMW tại Việt Nam…

Có một điểm chung là cả hai tập đoàn này đều mới tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2018, Hoà Phát sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Úc. Quý 1/2018, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời sẽ chính thức cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam. Mục tiêu của Hòa Phát trong 5 năm tới là bán 300 triệu quả trứng gà mỗi năm, 75 nghìn con bò thịt, 650 nghìn lợn thương phẩm và 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh lĩnh vực ô tô truyền thống, Trường Hải cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp. Với bất động sản, Trường Hải bắt đầu tham gia với việc nắm quyền kiểm soát CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mới đây Trường Hải đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Trước đó, trong năm 2016, ông Trần Bá Dương từng cho biết sẽ xây dựng mô hình trồng lúa áp dụng khoa học công nghệ cao.

Ông Phạm Nhật Vượng giữ vững vị trí tỷ phú số 1 Việt Nam

Năm 2018 là năm thứ hai bà Thảo góp mặt trong danh sách nhưng là năm thứ 6 danh sách này ghi tên ông Vượng. Có một điều đáng chú ý trước khi Forbes công bố danh sách 2018, Tạp chí này đã có động thái gây chú ý là đã ghi nhận tỷ phủ Phạm Nhật Vượng là làm giàu từ đa ngành nghề (diversified) thay vì chỉ làm giàu từ bất động sản (real estate) như trước đây.

ty-phu-usd-forbes-3

Ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới

Góc nhìn mới của Forbes có thể coi là sự thừa nhận về thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc xây dựng hệ sinh thái Vingroup, không chỉ có bất động sản và du lịch – giải trí mà còn bao gồm cả bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp và mới đây nhất là bước chân vào ngành công nghiệp ô tô.

Ông Phạm Nhật Vượng đã có 7 năm giữ ngôi vị người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Là người đầu tiên được Forbes công nhận là tỉ phú USD của Việt Nam và người duy nhất lọt vào top 500 người giàu nhất thế giới cho đến thời điểm này.

Ông Phạm Nhật Vượng được nhiều người gọi là “huyền thoại khởi nghiệp”, bản thân ông và câu chuyện khởi nghiệp của ông Vượng đã truyền “lửa” cho rất nhiều thanh niên Việt Nam.

Khó có thể kể hết những thành tựu hay tác động mà ông Vượng hay VinGroup mang lại mà chỉ có thể điểm tên một số công trình ông Vượng và Tập đoàn của ông đã thực hiện như Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang năm 2003; Tòa tháp đôi Vincom Center Bà Triệu - TTTM theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội năm 2004; Khu vui chơi Vinpearl Land năm 2005; Cáp treo Vinpearl năm 2007; Vincom Center Đồng Khởi tại TP Hồ Chí Minh năm 2010; Vinhomes Center Park cùng tòa nhà cao nhất Việt Nam - The Landmark 81 tại TP Hồ Chí Minh năm 2014 và dự án bất động sản đại chúng VinCity năm 2016…

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản và du lịch - giải trí, VinGroup còn có Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec, Vinschool - hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông và dự kiến là bậc Đại học đang được Tập đoàn xây dựng kế hoạch. Đáng chú ý, năm 2016, Vingroup chính thức chuyển đổi lĩnh vực Y tế và Giáo dục sang mô hình phi lợi nhuận và cam kết đầu tư 100% lợi nhuận từ hai mảng này vào các mục tiêu xã hội.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Siêu thị Vinmart với hệ thống siêu thị mới mang tên Vinmart và Vinmart+ đánh dấu bước lấn sân sang bán lẻ của VinGroup. Mảng nông nghiệp được Vingroup ra mắt vào năm 2015 với thương hiệu VinEco.

Khi ông Vượng dấn thân vào ô tô, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu có phải VinGroup đã thay đổi mục tiêu hay không. Khi đó, ông Vượng cho biết: “Mục tiêu của tôi không có gì thay đổi, về bản chất vẫn là làm đẹp cho đời. Nhà đẹp, các công trình đẹp là vật thể, còn các giá trị về tinh thần, sức khỏe là phi vật thể. Làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng VinGroup”.

Còn việc tham gia vào đa ngành nghề, mới nhất là ô tô, ông Vượng giải thích ông xuất thân từ sản xuất nên luôn muốn tìm một cái gì đó để sản xuất. Và để xây dựng một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp quốc tế, vị tỷ phú đã lọc dần trong các lĩnh vực và đã chọn được ngành ô tô.

Đi từ sản xuất, tới bất động sản, du lịch, nông nghiệp tới giao dục, y tế… vị tỷ phú cho biết: “Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình” chứ không chỉ dừng ở việc xây dựng một thương hiệu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.