Ngày 5/6, trao đổi với PV Báo Giao thông Trung tá Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An, cho biết: Sau quá trình điều tra (kéo dài 4 tháng - PV), đơn vị đã hoàn tất hồ sơ và trình UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam. Hai đơn vị này bị đề xuất phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Trả lời câu hỏi của PV “Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ động cơ dẫn đến vụ việc này là gì hay chưa?” thì Trung tá Tuấn, cho biết: Trong chuyện này, chúng tôi không xác định là có động cơ gì ở đây. Người ta trình bày là nhầm lẫn, thiệt hại trong vụ việc công ty Viết Nam phải gánh chịu và chịu thiệt hại tương đối lớn. Đối với xi măng Hoàng Mai, việc này do Viết Nam gây ra nên Viết Nam phải chịu thay.
“Ở đây, chúng tôi xác định lỗi là do chủ thể gây ra. Còn xử phạt thì người đại diện cho chủ thể phải chịu trách nhiệm thi hành. Mức xử phạt đối với mỗi đơn vị rất cao, lên đến hơn 400 triệu đồng/chủ thể. Khi Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định xử phạt thì chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết, với đầy đủ tài liệu hơn cho báo chí” - Trung tá Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 31/01/2019, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa (Ban Chỉ đạo 389) đã phát giác hành vi giả mạo nhãn mác hàng hóa đối với lô 21.000 tấn xi măng, do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ Viết Nam mua, cung ứng theo dạng hàng xuất khẩu đi Philippines. Kiểm tra tại kho và cảng Đại Dương (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), lực lượng Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn cùng với Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang tàu TAN BINH 236 đang bốc xếp hàng nghìn tấn xi măng giả nhãn mác, bao bì nhãn hiệu ZEBRA của Long Sơn, lên boong (12.000 tấn trên tàu và 6.000 tấn trong kho).
Cùng thời điểm, Công an tỉnh Nghệ An nhận được tin báo từ phía Nhà máy Xi măng Hoàng Mai về việc phát hiện trong nhà máy có hơn 1.500 tấn xi măng đóng bao nhãn hiệu ZEBRA.
Tháng 2/2019, vụ việc được chuyển cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An tiếp tục điều tra theo đề nghị từ phía cơ quan chức năng địa phương.
Tháng 4/2019, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An, xác định lô 21.000 tấn xi măng Hoàng Mai “gắn mác” Long Sơn không phải là hàng giả. Số hàng này đã được trao trả lại cho xi măng Hoàng Mai kèm theo yêu cầu “loại bỏ yếu tố vi phạm”. Đồng thời, chuyển hướng điều tra sang hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Tháng 6/2019, khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đã hết (có ra hạn thêm 2 tháng), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An chuyển hồ sơ và có tờ trình để UBND tỉnh Nghệ An xem xét ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đối với Công ty Viết Nam và xi măng Hoàng Mai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận