Tỷ phú trẻ Austin Russell
Russell đang nắm trong tay công nghệ quan trọng nhất cho phép điện thoại, thiết bị điều khiển trên xe ô tô tự lái xác định và tránh chướng ngại vật - một trong những công nghệ ô tô chủ chốt của tương lai.
Bỏ đại học danh tiếng, không chơi mạng xã hội
Austin Russell không phải bỗng chốc giàu có qua một đêm nhờ trúng số độc đắc hay được thừa hưởng tài sản kếch xù. Tất cả là nhờ tài năng thiên bẩm, sự tập trung và học hỏi bền bỉ. Chàng trai đến từ California bộc lộ khả năng thiên tài từ lúc… 2 tuổi. Khi các bạn cùng trang lứa còn đang… tập nói, Russell đã thuộc lòng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Luôn tò mò, khao khát được học hỏi và tìm kiếm sâu về rất nhiều lĩnh vực khoa học nên 11 tuổi, cậu đã viết được phần mềm, thậm chí còn lập trình phần mềm trên máy chơi điện tử Nintendo DS, biến hóa thiết bị này thành điện thoại di động chỉ vì bố mẹ nhất quyết không mua điện thoại cho cậu.
13 tuổi, Russell đăng ký bản quyền đầu tiên về hệ thống xử lý nước thải ngầm, có thể hứng nước từ vòi phun và tiết kiệm để tưới vườn, hạn chế nước thải. Đến tuổi học cấp 3, Russell không theo học các trường thông thường mà dành 3 năm đó tại Viện Nghiên cứu Laser Beckman của Irvine thuộc Đại học California.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất là khi chàng trai trẻ quyết định bỏ Đại học danh giá Stanford ngay năm đầu tiên sau khi giành được khoản học bổng Thiel Fellowship trị giá 100.000 USD dành cho những người trẻ sáng tạo, để theo đuổi ước mơ nhờ ý tưởng về công nghệ định vị LIDAR được dùng phổ biến cho điện thoại iPhone 11.
LIDAR là phương pháp sử dụng tia laser để đo khoảng cách của vật thể, tạo bản đồ 3 chiều. Đây là công nghệ quan trọng nhất cho phép điện thoại, thiết bị điều khiển trên ô tô tự lái xác định và tránh chướng ngại vật - một trong những xu hướng ô tô chủ chốt của tương lai.
Được làm quen với công nghệ từ rất sớm nhưng Russell lại không đắm chìm vào chiếc điện thoại, bị phân tâm vì mạng xã hội mà sử dụng công nghệ để tiếp cận thế giới tri thức. Cậu không có tài khoản Twitter hay Instagram song lại học gần như toàn bộ về thế giới qua Wikipedia và YouTube.
Ý tưởng giảm TNGT của chàng trai trẻ
Hãng xe Volvo là một trong những đối tác của Luminar
Russell khởi nghiệp, xây dựng công ty từ năm 2012 tại Orlando, với cái tên Lumiar, chuyên sản xuất LIDAR, loại cảm biến sử dụng chùm phản xạ laser để nhận diện ánh sáng, khoảng cách và dẫn đường cho xe. Loại cảm biến này không phải mới nhất trên thị trường nhưng Luminar ghi điểm nhờ giảm được giá thành. Hiện tại, công ty của Russell đang cộng tác với nhiều hãng lớn như Volvo, Daimler hay thậm chí là Mobileye của Intel.
Sau 5 năm, vào tháng 4/2017, Luminar mới niêm yết trên sàn chứng khoán thông qua cách thức sáp nhập với Gores Metropoulos Inc - công ty thu mua với mục đích đặc biệt (SPAC) trong vòng 2 năm.
Nhờ cách thức này, cuối năm 2020 vừa rồi, Luminar chính thức trở thành công ty thứ 2 của Thung lũng Sillicon trong lĩnh vực cảm biến cho xe tự lái, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngay trong ngày đầu giao dịch, giá cổ phiếu đã tăng 30% và tính đến nay, đã gọi vốn tới 590 triệu USD.
Nếu mày mò sáng chế không thôi (Russel làm việc tới 14 giờ/ngày), Russel không thể đưa công ty đi tới thành công như hiện nay. Đây cũng chính là nhận định của tỷ phú Peter Thiel đối với Russels. Ông là người đồng sáng lập Paypal, nhà tài trợ học bổng Thiel Fellowship và cũng là cố vấn cho cậu khi rời trường Stanford để thành lập Luminar.
Ở cương vị người hướng dẫn cho Russels, ông Thiel rất ấn tượng với chàng trai này vì trí thông minh, khả năng chèo lái Luminar từ một sáng kiến nảy sinh trong gara xe hơi thành công ty có tài sản niêm yết trên sàn Nasdaq. “Bạn có thể xây dựng doanh nghiệp tỷ đô nhưng để trở thành tỷ phú lại là chuyện khác”, ông Thiel nói.
Năng lực kinh doanh của Russel cũng khiến Alec Gores, người sắp xếp đưa Luminar lên sàn chứng khoán, phải ngả mũ. “Khi chúng tôi đàm phán, cậu ấy luôn nắm rõ mọi thứ từ những chi tiết nhỏ nhất. Nhiều người 60 tuổi, làm kinh doanh 40 năm có khi cũng không hiểu hết vậy mà chàng trai tuổi đôi mươi đã dành thời gian tìm hiểu về SPAC (kiểu công ty vỏ bọc, được thành lập và niêm yết với mục đích hỗ trợ cho các công ty tư nhân được niêm yết trên thị trường).
Sự ham học, tìm tòi của Russels đôi lúc còn khiến Gores phải thốt lên: “Cậu là người đặt cho tôi nhiều câu hỏi nhất so với tất cả những người tôi từng gặp trong đời!”.
Bản thân chàng trai 25 tuổi cũng cảm thấy “đáng kinh ngạc và siêu thực” khi nhìn lại chặng đường 8 năm qua. “Đó là quãng thời gian mà chúng tôi đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Cuối cùng, mọi nỗ lực cũng được ghi nhận”, Russel nói.
Còn rất trẻ nhưng Russell đã tìm được lý tưởng và tầm ảnh hưởng của mình với thế giới. Hiện tại, cậu chưa trực tiếp lập nên những kế hoạch từ thiện lớn như Bill Gates (một tỷ phú tự thân) song chàng trai trẻ đã, đang và mong muốn có nhiều đóng góp trong nỗ lực giảm thiểu TNGT.
“Khi LIDAR trở thành công nghệ an toàn hiện đại mới, được tích hợp trên mọi phương tiện tự lái, được sản xuất trên toàn cầu thì khi đó, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đặt ra”, Russels chia sẻ.
Chia sẻ về quyết định nghỉ học của mình, Russell cho biết: “Nghỉ học là quyền của tất cả mọi người. Quyết định này sẽ rất tốt nếu như bạn đã rõ mình muốn làm gì, làm như thế nào và cả mục tiêu chung của cuộc đời. Phần lớn lý do khiến tôi đưa ra quyết định này là yếu tố thời điểm. Với tốc độ phát triển của mọi thứ như phần cứng và quang tử học hiện nay. Nếu chờ đến khi ra trường mới thành lập công ty thì có lẽ là quá muộn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận