Việc bổ sung canxi có thể được mẹ bổ sung ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn như thanh thiếu niên, trưởng thành, trung niên và cao tuổi khác nhau, việc bổ sung canxi cũng sẽ khác nhau.
Mật độ xương trung bình của người trưởng thành đạt đỉnh vào khoảng tuổi 25 đến 30, sau đó bắt đầu giảm dần. Điều này có nghĩa người lớn nên bắt đầu chú ý tới việc bổ sung canxi từ năm 30 tuổi.
Tuy nhiên, do nhiều người thiếu kiến thức ăn uống khoa học nên một số loại thực phẩm được cho chứa nhiều canxi nhưng thực tế cơ thể hấp thụ rất ít. Hơn nữa, việc bổ sung quá nhiều cũng có thể gây tác động xấu tới cơ thể.
3 loại thực phẩm bị nhầm tưởng bổ sung nhiều canxi cho cơ thể
1. Vỏ tôm
Vỏ tôm khô chứa hàm lượng canxi cao, 100g vỏ tôm chứa 550mg canxi, gấp 5 lần sữa. Tuy nhiên, vỏ tôm rất cứng, khó nhai, dù có đi vào dạ dày thì axit dịch vị trong dạ dày cũng khó tiêu hóa chúng. Vì thế, hàm lượng canxi thực mà cơ thể hấp thụ rất ít, khoảng 1/10 hoặc ít hơn. Lượng canxi còn lại sẽ được đào thải ra ngoài.
Bên cạnh đó, vỏ tôm chứa nhiều muối, hàm lượng natri trong muối cao. Việc ăn nhiều vỏ tôm tương đương với việc tiêu thụ nhiều natri. Natri và canxi có mối quan hệ không tương thích với nhau. Nếu tiêu thụ quá nhiều natri sẽ cản trở việc cơ thể hấp thụ canxi, hơn nữa còn dẫn tới các bệnh tim mạch như cao huyết áp.
2. Vỏ trứng
Canxi trong vỏ trứng không dễ hấp thụ, chủ yếu đó là canxi cacbonat, không hòa tan trong nước và phải hòa tan trong dung dịch có tính axit. Vì vậy, những người bị thiếu axit dạ dày và không đủ axit ở đường ruột trên không thể hấp thụ canxi từ vỏ trứng.
Vỏ trứng có vai trò nhất định trong việc bổ sung canxi, vì thành phần chính của vỏ trứng là canxi cacbonat, sau khi phản ứng với axit axetic có thể tạo thành canxi axetat. Tuy nhiên, cơ thể người không hấp thụ nhiều canxi từ vỏ trứng như mọi người tưởng. Thông thường, người ta sẽ nghiền vỏ trứng thành bột rồi trộn với thức ăn khác nhằm mục đích bổ sung canxi, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thay vào đó, bạn nên mua các loại thuốc bổ sung canxi sẽ tốt hơn.
3. Nước hầm xương
Nhiều người tin rằng, ăn gì bổ nấy, dù trong xương động vật chứa nhiều canxi nhưng nó khó hòa tan vào nước hầm. Trong 100ml nước hầm xương chỉ chứa 2 – 4mg canxi.
Một số người muốn dùng giấm để hòa tan canxi trong xương và tăng hàm lượng canxi trong canh xương để đạt được mục đích bổ sung canxi. Nhưng trên thực tế, dù có thêm giấm vào thì hàm lượng canxi trong nước hầm xương vẫn khá thấp, cơ thể không dễ hấp thụ.
Ngoài ra, trong nước hầm xương còn chứa nhiều muối, chất béo, purin, ảnh hưởng tới sức khỏe của một số người, làm tăng khả năng béo phì, người có axit uric cao tăng nguy cơ bị gút.
3 loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao và dễ dàng được cơ thể hấp thụ nhất
- Các sản phẩm từ sữa
Sữa tươi, pho mát, sữa chua là những lựa chọn tốt nhất để bổ sung canxi. Cứ 100 ml sữa chứa 106mg canxi và 3g protein chất lượng cao, có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể cần.
Đối với một số người không dung nạp đường lactose có thể bổ sung canxi bằng cách ăn phô mai hoặc uống sữa chua không đường. Trẻ cũng rất thích uống sữa nên dễ dàng đạt được mục đích bổ sung canxi.
- Các sản phẩm từ đậu nành
Đậu phụ là thực phẩm bổ sung canxi tốt nhất trong số các sản phẩm từ thực vật. Bản thân đậu nành chứa nhiều canxi, khi làm thành đậu phụ sẽ làm tăng thêm lượng canxi nạp vào cơ thể.
Những người không thích uống sữa tươi có thể ăn thêm các chế phẩm từ đậu nành để bổ sung canxi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hàm lượng canxi trong sữa đậu nành thấp, vì nó thường được pha loãng với nhiều nước.
- Rau xanh đậm
Hàm lượng canxi trong các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, mồng tơi, cải… không thấp hơn so với trứng hoặc sữa. Ví dụ, 100g cải bó xôi chứa 66mg canxi, 100 cần tây chứa 160mg canxi.
Các loại rau còn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cơ thể cần, các loại vitamin, axit folic, khoáng chất, là sự lựa chọn để đáp ứng dinh dưỡng toàn diện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận