Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, không hiếm những doanh nhân, nhà quản lý thành đạt cũng đồng thời là những nghệ sĩ có dấu ấn nhất định trong làng văn chương, nghệ thuật. Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA dự án Đường Hồ Chí Minh, nay là Giám đốc QLDA2 (PMU 2) là một trong số những con người như thế. Ông là một nhà quản lý giao thông, cũng là một nhạc sĩ, kiêm ca sĩ có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ của ngành GTVT nói riêng và cả nước nói chung. Báo Giao thông giới thiệu bài viết của Nhà văn Đỗ Ngọc Yên khi ông Phạm Hồng Sơn xuất bản cuốn sách "Bắt đầu từ huyền thoại".
Nhà quản lý giao thông có tâm hồn thi sĩ
Giám đốc PMU 2 Phạm Hồng Sơn vừa cho ra mắt cuốn sách: “Bắt đầu từ huyền thoại”. Đây là một cuốn hồi ký, ghi chép lại quá trình trưởng thành của Phạm Hồng Sơn, từ sau khi tốt nghiệp ra trường, những nấc thang thăng tiến trong sự nghiệp cho đến những tháng năm trở thành Tổng giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh và Giám đốc PMU2.
Các tác phẩm văn xuôi trong cuốn sách: Ngày 10/9 và những kỷ niệm không thể nào quên; Ba tôi - Người đàn ông ký tưởng; Tình yêu sinh viên là những trang hồi ức về những tháng năm từ khi Phạm Hồng Sơn còn là cậu bé được sinh ra và lớn lên tại vùng đất nông trường 1/5, Nghĩa Đàn, Nghệ An, với bao khó khăn, vất vả, sự đói nghèo về cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của một gia đình công nhân nông trường quốc doanh 1/5 đến cậu sinh viên nghèo của khoa Công trình, Đại học GTVT giàu mộng mơ, thích ca hát. Sau khi ra trường lên Tây Nguyên công tác đã phải đối mặt, vật lộn với bọn fulro.
Trong cuốn sách “Bắt đầu từ huyền thoại”, các tác phẩm thơ Phạm Hồng Sơn là những ghi chép bằng cảm xúc thơ quá trình biến đổi tâm trạng cá nhân trước thời cuộc và trước những người con gái mà Phạm Hồng Sơn có nhiều duyên nợ, dù đấy có thể là người yêu, bạn gái hay là người vợ của anh sau này.
Phạm Hồng Sơn là người sinh ra trong năm tháng hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc, năm 1960, sau 6 năm chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu (1954) và 4 năm trước khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu từ vụ sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964). Nhưng trước và sau hai cuộc chiến tranh ấy là thời kỳ nước ta còn chìm sâu trong nền kinh tế thời chiến và kinh tế bao cáp nên vô cùng khó khăn, từ cái kim, sợi chỉ, đến cân gạo, cân thịt,... tất tật đều phải phân phối theo định lượng căn cứ vào độ tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hôi.
Anh là người đã trải nghiệm đủ các cung bậc, mùi vị và chiều kích của giai đoạn kinh tế thời chiến và kinh tế bao cấp này. Vậy nên, tôi thực sự ấn tượng về những trang ký ức của người con viết về quãng đời thơ bé của anh sống cùng các đấng sinh thành rất đỗi kính yêu qua hồi ký: Ba tôi - Người đàn ông lý tưởng. Hồi ký dài 20 trang khổ giấy A4, khoảng 40 trang in, với hơn 10 ngàn chữ đã tái hiện lại quãng đời tuổi thơ của Phạm Hồng Sơn, từ lúc sinh ra cho đến khi vào học khoa Công trình, trường Đại học GTVT.
Bằng lối kể chuyện chân thật, giản dị không hề thêu dệt theo kiểu làm văn nhưng đã để lại ấn tượng mạnh đối với tôi. Mặc dù tôi và Phạm Hồng Sơn cách nhau đúng một giáp, nhưng những chuyện anh kể trong hồi ký này, chẳng có gì xa lạ với tuổi thơ tôi, cũng sinh ra và lớn lên ở bắc khu Bốn (Thanh Hóa và Nghệ An), mảnh đất điển hình đói nghèo và khốc liệt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước và kinh tế bao cấp, cách đây trên dưới 40 năm.
Những câu chuyện khiến người đọc thổn thức, bùi ngùi
Trong cuốn sách, những chuyện kể của Phạm Hồng Sơn vừa ngây ngô, thơ bé lại vừa bùi ngùi, thổn thức, khiến người đọc nhiều khi cười ra nước mắt: “Chị Mai đi học cấp 1, cấp 2 ở làng Lung, có hôm ở nhà không có ai trông, tôi theo chị đến lớp ngồi trong lớp với chị cứ như là học sinh vậy! Cuối kỳ chị đạt học sinh tiên tiến, lên bục nhận bằng khen, tôi cũng theo lên bục xếp hàng đứng nhìn xuống mặt tỉnh bơ! Thầy giáo hỏi: “Ai đây?” Chị tôi bảo: “Dạ em trai của em đi theo thôi ạ”…
Tôi hỏi mẹ tôi: “Mẹ ơi, dốc Bò Lăn là con bò nó lăn hả mẹ?” Bà giải thích: “Không phải đâu con, người đi qua dốc đó phải vừa đi vừa bò vừa lăn để tránh bom Mỹ nên người ta gọi là dốc Bò Lăn đấy!” Ra thế!”
Rồi lại câu chuyện này nữa: “Mẹ tôi đưa tiền và chai cho tôi ra căng-tin nông trường mua dầu hỏa về thắp đèn. Tôi phấn khởi lắm, đi ngay và hùng dũng vác chai dầu trên vai mang về. Đến nhà, tôi kêu lên: “Mẹ ơi, con mua được dầu rồi này!” Mẹ tôi cầm lấy chai và hỡi ôi: “Sao không có tý dầu nào thế này???” Thì ra do chai đầu được nút bằng lá chuối, mà tôi thì cứ vác trên vai làm nút chuối rơi ra nên dầu chảy hết không còn giọt nào!!!”
Rồi đến những năm tháng giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Dốc Bò Lăn, một con dốc nằm trên QL15, nối từ thành phố Thanh Hóa, sang phía đông nước bạn Lào, cũng là một trong những con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam thời chống Mỹ cứu nước. Vì thế, nơi đây có thể gọi là một túi bom của không quân Mỹ.
Phạm Hồng Sơn nhớ lại: “Có đêm đang họp đội giữa chừng, nghe có báo động, ngay lập tức ba tôi chạy về nhà bế tôi lúc đó đang ngủ và các em tôi xuống hầm trú ẩn. Người cha vĩ đại ấy luôn luôn che chở cho các con tránh mọi hiểm họa mà bom đạn Mỹ có thể gây ra!”
“Thằng con ông Hoàng kia kìa. Nó cứ bí mật bám theo thế này thì làm sao mà hành quân! Thôi ông đưa nó quay về nhà đi, không phải đi nữa!” Ba tôi quay lại cõng tôi về nhà, mẹ tôi mừng rỡ: “May quá, từ hồi nãy đến giờ tìm mãi không thấy thằng Sơn đâu!”…
Có lẽ, Phạm Hồng Sơn là người thật sự hạnh phúc khi anh nghĩ về người cha của mình: “Trong mắt con cái chúng tôi, ông thật tuyệt vời, thật vĩ đại! Một mình ông nuôi vợ ốm và 5 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, mà chúng tôi đều học giỏi, ngoan ngoãn và siêng năng làm các công việc trong nhà phụ giúp cho ba mẹ!..”.
Nhưng tôi thật sự không thể nào hình dung nổi một cậu bé với đủ biệt danh nào là Sơn Máy, Sơn Hen, Sơn Thấp, Sơn Cao,… ngây ngô, thật thà như đếm khi hỏi mẹ về cái dốc Bò Lăn và một cậu Sơn được mẹ sai đi mua dầu hỏa về thắp đèn, ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ, đã vác chai đi mua, nhưng về đến nhà chẳng còn giọt dầu nào,... lại còn mê đàn hát nữa chứ. Và vốn liếng mà người cha muôn vàn kính yêu đã giao cho người con trai của mình ngày đầu ra ở riêng sau khi lập gia đình vào năm 1986 thật bất ngờ.
Sơn nhớ lại: “Ba tôi dùng xe cải tiến chở đồ đạc cho chúng tôi và giao luôn chiếc xe đó cho tôi sử dụng, đồng thời ông đưa cho tôi cây rựa, ông vẫn hay dùng và bảo: “Ba cho con cây rựa và chiếc xe này để làm vốn con nhé!”.
Trực tiếp chỉ đạo nhiều công trình giao thông tầm cỡ quốc gia
Nhiều năm gắn bó, cống hiến trong ngành GTVT, năm 2004, Phạm Hồng Sơn được đề bạt và trở thành Tổng giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh. Anh trực tiếp chỉ đạo thi công giai đoạn I có chiều dài khoảng 1.350 km (tuyến chính từ Xuân Mai, Hà Tây vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum dài khoảng 850 km và nhánh tây từ Khe Gát, Quảng Bình đi Khe Sanh - Đăk Rông, Quảng Trị đến Thạnh Mỹ, Quảng Nam dài khoảng 500 km), tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, tương đương hơn 400 triệu USD. Nếu tính tổng chiều dài con đường gần như đã được nối thông ở qui mô hai làn xe từ điểm đầu Pác Bó, Cao Bằng trải dọc theo hình hài đất nước hình chữ S về đến điểm cuối Đất Mũi, Cà Mau với chiều dài dự tính khoảng 2.499 km và nhánh tây khoảng 684 km, tức là khoảng 3.183 km.
Rồi sau 10 năm làm Tổng giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh (2004 - 2014), Phạm Hồng Sơn được Bộ GTVT điều động sang làm Giám đốc Ban 2 (PMU2), trực tiếp chỉ đạo thi công xây dựng cây cầu dây văng vượt biển dài nhất Đông Dương từ Tân Vũ nối sang Lạch Huyện, Cát Hải, Hải Phòng.
Lại một bất ngờ thú vị nữa đối với tôi là khi xem danh sách các tác phẩm âm nhạc của Phạm Hồng Sơn cùng với những giải thưởng cao quý Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng cũng như các ca sĩ nổi tiếng khắp cả nước như: NSND Thu Hiền, NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Vy Hoa, các ca sĩ Trọng Tấn, Thúy Nội, Thanh Vinh,… và tất nhiên là cả ca sĩ Phạm Hồng Sơn đã từng biểu diễn các ca khúc của anh ở nhiều thời gian và địa điểm khác nhau.
Để có thể kết hợp, hòa quện và phát triển được tính chất của những công việc ở hai ngành nghề khác nhau, thậm chí đôi khi còn chống đối, mâu thuẫn với nhau: Nhà quản lý và nghệ sĩ trong một con người như Phạm Hồng Sơn, thì đấy chỉ có thể là một người sống hết mình cho công việc, dù đấy là bất cứ công việc gì được cấp trên giao phó mà mình đang đảm trách và một tình yêu cũng hết mình đối với những người xung quanh như: bố, mẹ, vợ, con, họ hàng, chòm xóm, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, cộng sự,… Chỉ có sống hết mình, sống có trách nhiệm với công việc mình đang làm mới mong đem lại hiệu quả tích cực và tích lũy kinh nghiệm cho những công việc tiếp theo. Và chỉ có yêu hết mình mới đem lại niềm hứng khởi, xúc cảm và sự thăng hoa cho nghệ thuật.
Qua bộ sách, tôi thấy Phạm Hồng Sơn là người hội đủ hai phẩm chất ấy trong một con người. Thật khó mà có câu trả lời xác đáng Phạm Hồng Sơn đã tự trở thành nhà quản lý giỏi, có tâm và nghệ thuật; hay nghệ thuật đã tìm đến anh, nhà quản lý giỏi. Theo tôi, có lẽ là cả hai. Hy vọng sẽ còn được đọc nhiều trang hồi ký và những vần thơ đầy xúc động của anh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận