Chuẩn bị đồ đạc kỹ lưỡng sẽ giúp chuyến đi xuyên Việt an toàn, tiết kiệm và vui vẻ |
Đừng tiếc chiếc lốp mà hỏng cả chuyến đi
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, anh Vũ Duy Sơn (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) đã cùng gia đình thực hiện chuyến đi xuyên Việt với tiêu chí “an toàn, tiết kiệm và vui vẻ”.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Sơn cho biết, đã lên kế hoạch cho chuyến đi xuyên Việt trước khi khởi hành 2 tháng. Theo đó, chuyến đi xuất phát từ Hà Nội, kéo dài khoảng 16 ngày với tổng chi phí cho 4 người trong gia đình khoảng 45 triệu đồng. “Đây là chuyến đi mơ ước của cuộc đời tôi. Thấy Việt Nam quá tuyệt vời so với các nước khác mà nhiều người chưa biết hết được nên tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để mọi người thấy tự tin hơn khi đi du lịch xuyên Việt”, anh Sơn cho hay.
"Chất lừ" kinh nghiệm từ A đến Z cho chuyến xuyên Việt cả gia đình mà ai cũng nên tham khảo. Ảnh: Anh Sơn cùng gia đình trong chuyến xuyên Việt |
Để chuẩn bị hành trình xuyên Việt, anh Sơn cho biết điều quan tâm đầu tiên chính là phương tiện. Theo đó, nếu tự lái ô tô, hành khách nên bảo dưỡng toàn bộ xe ngay trước chuyến đi. “Lưu ý kiểm tra lốp nếu sắp phải thay nên thay luôn, đừng tiếc mà hỏng cả cuộc hành trình. Nên mua tấm chắn nắng để che kính quanh xe nhé bởi thời tiết miền trong nắng nóng gay gắt. Ngoài ra, nếu không lắp được cảm biến áp suất lốp cho xe thì cũng cần có cái bơm ô tô nhãn Michelin giá hơn 1 triệu đồng song dùng khá tốt”, anh Sơn nói.
Về phần người lái, kinh nghiệm cho thấy nên mang theo áo sơ mi dài tay vải dày tránh nắng rát; một đôi kính chống phân cực tốt, mắt kính trong. “Để chống buồn ngủ lái xe có thể mua bò húc hoặc cà phê dạng lon. Kinh nghiệm cho thấy lái xe từ 1,5-2 tiếng đồng hồ nên dừng lại nghỉ chút cho tỉnh táo. Nếu cơn buồn ngủ ập tới thì không nên cố mà phải tìm chỗ an toàn táp vào nghỉ rồi đi tiếp”, anh Sơn chia sẻ.
Lái xe đường dài xuyên Việt nên nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi lộ trình khoảng 2 tiếng |
Đồ đạc cho chuyến đi xuyên việt cũng nên gọn nhẹ nhất là quần áo để tránh tốn diện tích mà không dùng hết. Tuy nhiên, không nên bỏ sót những đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, sữa rửa mặt, dao cạo râu, thuốc đánh răng, sữa tắm, dầu gội… Nếu nhà có con nhỏ, cần mang theo chiếc ấm siêu tốc, máy sấy tóc và cháo ăn liền. Ngoài ra, mỗi thành viên nên mang theo cái mũ rộng vành che nắng và giày dép loại thoáng mát, lội nước thoải mái.
Kinh nghiệm đi xuyên Việt không bị “chặt chém”
Trước khi đi nên nghiên cứu bản đồ Việt Nam để vạch ra lộ trình đi thích hợp theo chuyến mà không phải đi lại nhiều lần. “Mỗi tỉnh nên chọn lọc ra các địa điểm tham quan tập hợp thành một danh sách theo thứ tự hành trình. Các bạn cũng tính toán qua quãng đường đi như vậy sẽ mất tầm bao lâu thời gian, chơi ở đâu như thế nào để áng chừng thời gian cho hợp lý”, anh Sơn cho hay.
Nên lập danh sách những địa điểm du lịch dự kiến sẽ đi qua để tiết kiệm thời gian |
Về phần mềm dẫn đường kinh nghiệm của anh Sơn cho biết nên dùng Vietmap theo xe, để cập nhật chi tiết cung đường, cảnh báo tốc độ. Ngoài ra Google map cũng cần thiết giúp tìm kiếm địa điểm du lịch sẽ đến, hay nhà hàng, khách sạn trên đường đi.
Tuy nhiên, anh Sơn cũng lưu ý: “Trên đường đi nên tìm quán đông xe, thường là đông xe tải dọc đường quốc lộ để ghé vào ăn trưa. Khi ăn cũng thường vừa gọi món vừa hỏi giá luôn. Còn bữa tối thì nên tìm trước quán ăn ngon vì thông thường đây cũng là thời gian xác định nghỉ lại. Trên mạng cũng chia sẻ nhiều thông tin quán xá, kết hợp hỏi dân địa phương chắc chắn sẽ tìm được quán ăn ngon…Vào vùng nào thì nên ăn theo kiểu vùng đấy, đừng nên yêu cầu quán ăn nấu theo kiểu của mình, sẽ không thưởng thức được hết vị ngon của món ăn từng vùng”.
Theo anh Sơn, để chọn khách sạn nhà nghỉ tốt mà giá mềm, anh thường tìm trên các trang đặt phòng như Agoda để chọn trước rồi đến tận nơi để xem phòng và thoả thuận giá.
Với những kinh nghiệm và trải nghiệm bổ ích trên, các bạn sẽ thấy đi xuyên Việt không quá khó khăn, phức tạp, chỉ cần “vứt balô lên mà đi thôi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận