Bất công trong thu nhập?
Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, nếu năm 2016 có 65 bác sĩ của bệnh viện (BV) công nghỉ việc, thì năm 2017 tăng lên 98 người, đến năm 2018 là 102 người. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 6 bác sĩ ở BV công nghỉ việc và 5 người đã nộp đơn. Hầu hết đều “đầu quân” về các bệnh viện tư nhân.
Riêng tại BV Đa khoa Đồng Nai, năm 2018, tại đây có 32 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 3 phó khoa và 8 bác sĩ có trình độ thạc sĩ. Nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất nằm trong nhóm bác sĩ có từ 2 - 5 năm kinh nghiệm, sau vài năm làm tại BV công, được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc học xong chuyên khoa 1 thì... bỏ đi. Tương tự, năm 2018, ngành Y tế TP HCM cũng “tá hỏa” khi có 23 nhân viên y tế gồm 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng, tài xế thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đồng loạt nghỉ việc vì… thu nhập quá thấp.
Trao đổi về tình trạng “chảy máu chất xám” tại bệnh viện công, TS. BS. Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSO cho hay, một trong những nguyên nhân của sự chuyển dịch này thực chất là sự bất công trong thu nhập hơn là thu nhập thấp. “Khi tôi còn công tác trong bệnh viện công, lương của tôi, khi đã là tiến sĩ cũng vẫn chưa bằng một số điều dưỡng. Trong khi tôi làm được nhiều việc, thực hiện được nhiều kĩ thuật, nhưng lương của tôi vẫn thấp hơn lương của những bác sĩ mà khả năng chuyên môn kém hơn tôi. Và sự bất công này được giải quyết ở môi trường y tế tư nhân”, BS. Sơn chia sẻ.
Cũng theo BS. Sơn, hiện tượng bè phái đã có ảnh hưởng rất lớn trong các cơ sở y tế công. “Ở khu vực tư, do có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi, các bè phái nếu có cũng khó có thể làm thay đổi sự phân nhiệm và chia sẻ quyền lợi. Còn ở y tế công, các nhóm, bè phái dễ thao túng và lũng đoạn, làm thay đổi sự phân bổ trách nhiệm, cũng như phân chia lợi ích, tạo sự bất công”.
Tương tự, PGS. Nguyễn Hoài Nam, giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM chia sẻ: “Trong môi trường bệnh viện công lập, bác sĩ chưa được coi trọng, các giám đốc còn có quan niệm ban phát việc làm cho người khác. Thậm chí bác sĩ mất 3/4 thời gian làm việc chỉ để đi “ đỡ đòn” lẫn nhau tạo nên tâm lý bất ổn. Cũng vì vậy, khi có cơ hội các bác sĩ sẽ “nhảy” việc”.
Tuy nhiên, PGS. Nguyễn Hoài Nam cũng khuyến cáo: “Thực tế không ít bác sĩ bị “ăn cú lừa” của các bệnh viện tư nhân. Nhiều bệnh viện tư do nhu cầu thẩm tra trước khi cho phép hoạt động đã chiêu dụ bác sĩ giàu kinh nghiệm về làm trưởng khoa với mức lương cao ngất, tới hơn trăm triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, bệnh viện hoạt động không hiệu quả mức lương cứ thấp dần và dàn nhân lực hùng hậu đến rồi lại đi”.
Tránh quản lý theo kiểu “sở hữu”
BS. Xuân Sơn cho biết, tại các nước tiên tiến, không có chuyện quản lí các bác sĩ, kĩ thuật viên cao cấp theo kiểu “sở hữu” như ở Việt Nam. Theo đó, các bác sĩ được tận dụng tối đa trong việc khám chữa bệnh, giảm thiểu công việc hành chính, có thể ký hợp đồng với nhiều cơ sở. “Khi các bác sĩ và kĩ thuật viên cao cấp dành thời gian của mình cho công việc chính ở nhiều cơ sở khác nhau, thì nhiều bệnh nhân được tiếp cận với chuyên môn cao hơn, thu nhập của bác sĩ cũng sẽ khá hơn.
Về phía bệnh viện có thể sử dụng những nhân viên khác với chi phí trả lương thấp hơn để thực hiện các công việc không đòi hỏi chuyên môn sâu, tiết kiệm nhiều chi phí cho nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu suất sử dụng trang, thiết bị. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, sẽ có một đội ngũ lao động chuyên môn cao trở nên tự do. Các bệnh viện công sẽ phải tìm cách để lôi kéo những nhân sự cao cấp về làm việc cho mình”, BS. Sơn phân tích.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đã đến lúc cần phải có hiệp hội các bệnh viện và các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư ngồi lại với nhau để thống nhất về cách hành xử sao cho có văn hóa đối với thị trường lao động giàu tiềm năng và đầy nhạy cảm này. Hoạt động này sẽ giúp xã hội trở nên bình yên, mối thâm giao giữa các bệnh viện được tăng cường và bệnh nhân chính là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận