Luật sư nói gì về việc người hắt tiết lợn vào Chủ tịch huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vừa bị khởi tố tội "Làm nhục người khác"? |
Liên quan đến vụ việc công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can người phụ nữ đã hắt tiết lợn lên người Chủ tịch huyện với tội danh "Làm nhục người khác", theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Nhiều độc giả thắc mắc, liệu hành vi của người phụ nữ này có đến mức phải bị khởi tố tội danh nói trên hay không?
Trả lời PV Báo Giao thông, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch đánh giá hành vi nêu trên của người hắt tiết lợn chưa đủ nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Tuấn Anh, để có cơ sở xử lý hình sự về hành vi "Làm nhục người khác" thì hành vi đó phải được diễn ra trong một thời gian dài, liên tục khiến một cá nhân bị xấu hổ, mất uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng, tổn thương nặng nề tinh thần.
"Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, phạm tội hình sự là xâm phạm đến trật tự quản lý xã hội theo quy định của pháp luật, chứ không phải phạm tội đối với một cá nhân ông chủ tịch hay công dân nào khác. Thế nên không thể có chuyện hắt tiết canh vào người ông chủ tịch thì phạm tội làm nhục người khác, trong khi cùng hành vi nhưng được thực hiện với công dân bình thường khác thì lại không bị truy cứu hình sự" - ông Tuấn Anh nhận định.
Cũng theo Luật sư Tuấn Anh, hành vi nêu trên của tiểu thương chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
Về việc tiểu thương hắt tiết lợn vào người Chủ tịch huyện đã bị công an khởi tố, ông Tuấn Anh đưa ra lời khuyên: "Khi bị khởi tố tức là người đó đã bị coi là "người bị buộc tội", vậy nên việc cần làm là nên nhờ người bào chữa cho mình để có thể đưa ra các căn cứ, chứng cứ có lợi và chứng minh hành vi của người đó không cấu thành tội phạm!".
Luật sự Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật Chính Pháp cũng bày tỏ quan điểm, rằng trước khi xác định đúng tội danh của người hắt tiết lợn kia thì cơ quan chức năng cần xác minh rõ trước đó hành vi của cả thủ phạm lẫn nạn nhân là gì.
Trong trường hợp này, cần làm rõ vị Chủ tịch huyện kia khi thực hiện công vụ có làm đúng quy trình, quy định, chuẩn mực hay không, liệu có gây ra kích động, bức xúc nào cho tiểu thương dẫn đến khiến cho họ bị mất kiểm soát không? Tiếp đó là xác định rõ hành vi của người hắt tiết lợn xuất phát từ động cơ nào, mục đích, ý đồ ra sao?
"Có thể thấy khi một vị quan chức đi thực thi công vụ, người dân cần thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật. Hành vi hắt tiết lợn vào quan chức đang thực thi công vụ của người tiểu thương rõ ràng là không thể chấp nhận" - ông Cường đánh giá.
Do vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, xác minh và làm rõ hành vi của người hắt tiết lợn vào chủ tịch huyện, nếu kết quả cho thấy hành vi này chưa quá nghiêm trọng, chưa đủ sức gây nguy hiểm cho xã hội, thì có thể chỉ xử lý hành chính về hành vi "Chống người thi hành công vụ" hoặc "Làm nhục người khác".
"Để có thể có cơ sở, căn cứ xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác", người phạm tội phải thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người đó phải thể hiện rõ mong muốn ý đồ hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác!" - Luật sư Cường nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, chiều 26/2, công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thị Loan (38 tuổi, trú thị trấn Hương Khê) về tội "Làm nhục người khác", theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Đối tượng Loan được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, khoảng 3h ngày 9/2, đoàn liên ngành của huyện Hương Khê đi kiểm tra việc giết, mổ gia súc tại chợ Sơn (thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê).
Đến 4h cùng ngày, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch huyện Hương Khê đến chỉ đạo công tác kiểm tra, yêu cầu các tiểu thương về UBND thị trấn Hương Khê ký cam kết giết mổ tập trung.
Tại đây, một số hộ kinh doanh đã tỏ thái độ không hợp tác, có hành vi chống đối. Nghi can Loan bị cho rằng đã lăng mạ, xúc phạm và dùng chai đựng tiết heo đổ lên người ông Huấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận