Những năm qua, Chính phủ và các ban ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, tình trạng người dân ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực đường liên xã, liên thôn bản khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Viện cớ đi rất gần, nhiều người vẫn nói không với mũ bảo hiểm
Ở các thôn làng có đông người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ vẫn mang tính đối phó nhiều hơn là tự giác, trong đó lỗi vi phạm không chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy rất phổ biến.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, không khó bắt gặp cảnh người dân chở 2, chở 3 không đội mũ bảo hiểm đi rẫy, đi lấy mủ cao su... Chuyện đi việc hiếu, việc hỉ, uống dăm ba chén rượu, đầu không mũ bảo hiểm phóng xe máy là chuyện không hiếm.
Chúng tôi hỏi anh Phùng A Lý - người xã Sa Nghĩa (Kon Tum) vì sao không đội mũ bảo hiểm, anh Lý nói rất thật: "Sợ CSGT phạt thì đội thôi, ở đây có CSGT đâu mà đội. Mà đội đi rẫy bất tiện lắm, toàn anh em bà con trong làng cả, sao phải đội.
Ông A Jap, Trưởng thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa chia sẻ để thay đổi lối nghĩ như anh A Lý cần thời gian. Bà con thường nghĩ tai nạn không đến với mình và cho rằng đội mũ bảo hiểm vướng víu. Với giới trẻ nhận thức tốt hơn, hiểu đội mũ an toàn hơn thì lại có lý do khác cho việc không đội mũ bảo hiểm. Đó là cách nghêng ngang thể hiện "bản lĩnh" của tuổi mới lớn. Chưa bị phạt thì họ chưa sợ.
Đường thôn, đường xã ngày càng đẹp hơn nhưng đáng buồn là tai nạn cũng nhiều hơn, bà con chưa ý thức được đội mũ bảo hiểm là bảo vệ chính bản thân mình.
Nhiều người đề nghị tăng mức phạt nhưng tôi cho rằng chưa cần tăng, chỉ cần xử lý nghiêm, sát sao nhắc nhở thì đã có sự chuyển biến hơn hiện nay, tiếc là lực lượng xử phạt rất mỏng, nên bà con chưa thay đổi được cả nhận thức lẫn hành vi, một cán bộ xã Sa Thầy (Kon Tum) nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận